Các nhà nghiên cứu của IHS Markit cho biết số ca mắc mới tăng kỷ lục ở Mỹ, Brazil hay Ấn Độ, những nền kinh tế lớn, sẽ khiến khả năng phục hồi của nền kinh tế trở nên mong manh. Thậm chí, nó còn tạo ra những "bước ngoặt sóng gió" trong hành trình tìm lại đỉnh cũ hay tồi tệ hơn là một cuộc suy thoái kép theo mô hình chữ W đã được chỉ ra.
Cụ thể, trong báo cáo tháng 7, Chuyên gia kinh tế trưởng Nariman Behravesh và Giám đốc điều hành Kinh tế toàn cầu Sara Johnson của IHS Markit cho biết nhiều nền kinh tế sẽ hứng chịu những sụt giảm trong năm 2020 trước khi có thể phục hồi vào năm 2021. Tuy nhiên, việc một số tiểu bang của nước Mỹ phải áp dụng chính sách đóng cửa một phần khi số ca mắc mới ở nước này tăng lên 77.000 người/ngày làm dấy lên hàng loạt những lo ngại.
Đóng cửa một phần là biện pháp có thể được nhìn thấy ở Australia, Trung Quốc, Đức, Israel, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Số ca nhiễm mới tăng mạnh sau khi hạ nhiệt từ đợt sóng đầu tiên là nguyên nhân của các biện pháp hạn chế tạm thời này. Nó cho thấy mối nguy từ Covid-19 không phải đã kết thúc.
IHS Markit nhấn mạnh tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay là thận trọng và tâm lý này đang ngày càng gia tăng. Chính làn sóng Covid-19 thứ 2 đã làm giảm xác suất cho kịch bản hồi phụ hình chữ V và gia tăng nguy cơ đối với suy thoái kép (mô hình chữ W).
Hiện tại, IHS Markit cho rằng xác suất xảy ra suy thoái kép là 20%. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm Covid-19 mới ngày càng tăng, xác suất này có thể cũng sẽ tăng lên trong những tháng tới. Thời điểm đợt suy thoái thứ 2 xảy ra có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Tuy nhiên, chính các chuyên gia của IHS Markit cũng nhận định đợt suy thoái này sẽ không nghiêm trọng như những gì mà thế giới phải trải qua trong những tháng đầu tiên của đại dịch. Các biện pháp quản lý tốt hơn làm giảm nguy cơ phải phong tỏa trên diện rộng như đợt bùng dịch đầu tiên.
Trong phần kết luận, các chuyên gia của IHS Markit nhấn mạnh rằng: "Điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua. Tuy nhiên, sự phục hồi toàn cầu vẫn còn yếu và có khả năng hứng chịu những cú sụt giảm trong tương lai".
Ở thời điểm hiện tại, trên thế giới có 14,08 triệu người mắc Covid-19 với 595.459 ca tử vong. Chỉ riêng ở Mỹ, số ca nhiễm đã tăng lên 3.666.134 người với 139.202 trường hợp tử vong.
Bất chấp nỗ lực của các tổ chức và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm, vắc xin chống Covid-19 vẫn chưa được tìm ra. Khi dịch bệnh lây lan khắp toàn cầu, vắc xin được xem là cách duy nhất giúp đảm bảo khả năng phục hồi của các nền kinh tế trước những đe dọa mà dịch bệnh mang tới.
Tham khảo: CNBC