Ngày 7/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cập nhật báo cáo nhanh về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động toàn cầu.
Số liệu ước tính toàn cầu từ ILO cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 gây nên sự sụt giảm chưa từng có của các hoạt động kinh tế và số giờ làm việc. Tính đến ngày 1/4/2020, số liệu ước tính cho thấy số giờ làm việc của quý này (Quý II) sẽ giảm khoảng 6,7%, tương đương với 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.
Ngày càng nhiều nơi áp dụng biện pháp phong tỏa một phần hay toàn diện, dẫn đến việc hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và hạn chế việc di chuyển của phần đông người lao động. Với nhiều người lao động và doanh nghiệp, điều này có nghĩa là họ không thể tiếp tục làm việc, trong khi đó những người khác phải thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc.
Các biện pháp can thiệp này đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (dịch vụ lưu trú và ăn uống, thương mại bán lẻ v.v) trong khi lĩnh vực sản xuất thì bị gián đoạn trong dọc chuỗi cung ứng (ví dụ ngành sản xuất ô tô) và nhu cầu hàng hóa giảm mạnh.
Đại dịch Covid-19 gây nên những tác động rộng khắp, sâu sắc và chưa từng có tiền lệ đối với việc làm. Việc điều chỉnh quy mô việc làm thường chỉ được thực hiện khi kinh tế suy giảm do một số yếu tố cản trở (chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009).
Những lĩnh vực có nguy cơ cao nhất
Theo ILO, các ngành chịu tác động nhiều nhất của Covid-19 là dịch vụ lưu trú, ăn uống; bất động sản; hoạt động kinh doanh và hành chính; sản xuất và bán buôn bán lẻ sửa chữa xe máy.
Dựa trên dữ liệu kinh tế và tài chính theo thời gian thực, tác động của khủng hoảng đến kết quả kinh tế có thể được đánh giá phân theo ngành (tuy nhiên việc phân ngành còn hạn chế tùy thuộc sự sẵn có của dữ liệu toàn cầu).
Từ đánh giá này có thể thấy nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt được xác định sẽ phải hứng chịu sự sụt giảm mạnh trong sản lượng đầu ra, trong đó bao gồm các dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh tế. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và tuyển dụng hàng triệu người lao động, thường là được trả lương thấp, với trình độ kỹ năng thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và bán lẻ.
Những người lao động trong những lĩnh vực này sẽ đặc biệt cảm nhận rõ những khó khăn do rủi ro về kinh tế mang lại. Những lĩnh vực này sử dụng 1,25 tỷ lao động trên toàn thế giới, chiếm gần 38% lực lượng lao động toàn cầu. Tùy thuộc vào thực trạng của mỗi quốc gia, những người lao động này đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh mẽ và tồi tệ về số giờ làm việc, cắt giảm tiền lương và bị sa thải và tất cả mọi người trong số họ gộp lại tạo nên những con số ước tính của mô hình nowcasting thể hiện ở trên.
Trong số các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, phân ngành thương mại bán buôn và bán lẻ có tỷ trọng lao động bị ảnh hưởng lớn nhất. Họ vốn thường là những người được trả lương thấp và không được bảo vệ. Nhóm 482 triệu lao động này gồm có nhân viên thu ngân, nhân viên kho bãi, nhân viên bán hàng và các công việc khác có liên quan.
Trong các lĩnh vực đó, những người lao động làm các công việc được xét là thiết yếu (ví dụ như giao đồ ăn) vẫn có thể tiếp tục làm việc nhưng họ phải đối diện với nhiều hơn với rủi ro về sức khỏe nghề nghiệp.
Lao động làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu thì phải đóng cửa trên diện rộng và phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh về việc làm và số giờ làm việc. Các dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tới 144 triệu lao động. Ở một số quốc gia, lĩnh vực này hầu như phải đóng cửa hoàn toàn, còn ở những nơi vẫn có thể hoạt động thì phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu dịch vụ. Hơn một nửa số lao động này là phụ nữ.