Các điều kiện tài chính toàn cầu đã được thắt chặt hơn
Theo báo cáo phát hành vào tháng 4 về "Ổn định tài chính toàn cầu" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các điều kiện tài chính toàn cầu đã được siết chặt lại vào tháng 3 năm nay sau khi được nới lỏng suốt năm 2019 và đầu năm 2020.
IMF cho rằng, việc thắt chặt này cũng do sự suy giảm giá trị doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng. Do đó, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn 3%, giảm so với mức 3,3% được đưa ra vào tháng 1/2020. Giảm tăng trưởng cũng ngụ ý gia tăng rủi ro cho ổn định tài chính.
Các thị trường mới nổi (không gồm Trung Quốc) cũng thắt chặt điều kiện tài chính do chi phí tài trợ bên ngoài tăng mạnh. Trong khi Trung Quốc là nước đầu tiên trải qua sự bùng phát Covid-19, lại có điều kiện tài chính ổn định trở lại.
Sự lan rộng tình trạng khó khăn của các ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể sẽ trì hoãn sự phục hồi. Ngân hàng trung ương các nước đã duy trì thanh khoản trên liên ngân hàng ở mức cao và giảm lãi suất chính sách, nhằm hướng các ngân hàng tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp.
Theo IMF, việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính có thể phát lộ nhiều “vết nứt” khác của hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, các ngân hàng đã tích tụ nhiều vốn hơn và thanh khoản tốt hơn so với trước đây, vì đã được kiểm tra sức chịu đựng và được giám sát chặt chẽ hơn, do đó, ngân hàng có vị thế tốt hơn so với thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008).
Khả năng phục hồi của các ngân hàng ở một số quốc gia có nền kinh tế suy giảm mạnh có thể kéo dài hơn so với dự đoán hiện tại. Lỗ hổng tiếp tục phát lộ nếu các điều kiện tài chính thắt chặt hơn nữa.
Lỗ hổng tài chính (vùng xám) được phát lộ trong các lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm, công ty phi tài chính, quản lý tài sản... khi các điều kiện tài chính được siết chặt hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (gạch đỏ) - Nguồn: IMF.
Từ biểu đồ minh hoạt trên cho thấy, lỗ hổng ở lĩnh vực các công ty phi tài chính hiện cao hơn đáng kể so với năm 2008-2009, ẩn chứa về giai đoạn tăng trưởng âm kéo dài và chi phí tài trợ tăng cao có thể có khủng hoảng doanh nghiệp quy mô lớn.
Lỗ hổng trong ngân hàng chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, có lo ngại về lỗ hổng bảo mật tại Trung Quốc và ở những nền kinh tế mới nổi hay khu vực đồng EUR.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, các lỗ hổng ít được phát hiện hơn các lĩnh vực khác, nhưng vẫn có nguy cơ cao ở một số quốc gia. Ở Mỹ, các nhà bảo hiểm đang phải đối mặt với sự mất cân đối thanh khoản và rủi ro tín dụng tăng, trong khi các công ty bảo hiểm ở các quốc gia phát triển khác cũng có xu hướng mất cân đối tiền tệ. Khu vực đồng EUR, lỗ hổng trong bảo hiểm ít rõ rệt hơn, nhưng rủi ro tín dụng tăng lên, cùng với các thách thức về lợi nhuận và khả năng thanh toán từ lĩnh vực lợi suất thấp…
Đặc biệt, lỗ hổng trong lĩnh vực quản lý tài sản hiện đang ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác, cao gần bằng với mức trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Quản lý tài sản ở một số quốc gia (đáng chú ý như Trung Quốc và Mỹ) trong dịch Covid-19 có mức độ, kỳ hạn và mất cân đối thanh khoản cao hơn. Khu vực đồng EUR và các nền kinh tế phát triển khác lỗ hổng có phần thấp hơn.
Theo phân tích của IMF, có 5 cấp độ về lỗ hổng tài chính theo ngành và khu vực (cấp độ 5 tồi tệ nhất - màu đỏ đậm; thứ tự ngược lại cho đến cấp độ 1 - màu xanh lá đậm, bị ảnh hưởng ít nhất).
Theo đó, các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu và các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) có lỗ hổng tài chính mạnh nhất (cấp độ 5). Mỹ ở cấp độ 4, Trung Quốc ở cấp độ 3.
Lỗ hổng tài chính theo ngành và khu vực - Nguồn: IMF.
Lỗ hổng theo lĩnh vực phi tài chính, Trung Quốc ở cấp độ 5, Mỹ và các nền kinh tế mới nổi ở cấp độ 4, còn tại các quốc gia phát triển khác bị ảnh hưởng ít, chỉ ở cấp độ 2.
Đối với hộ gia đình, lỗ hổng chỉ ở cấp độ 1 tại các quốc gia Châu Âu, Mỹ ở cấp độ 2. Trong khi đó các hộ gia đình tại Trung Quốc, các quốc gia phát triển đặc biệt bị khó khăn đều ở cấp độ 5; các gia đình ở các quốc gia mới nổi cũng khó khăn không kém khi ở cấp độ 4.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực ngân hàng, theo đánh giá của IMF, đến nay các ngân hàng ở Mỹ và các quốc gia phát triển hầu như không bị ảnh hưởng khi chỉ ở cấp độ 1. Nhưng các ngân hàng tại Trung Quốc, khu vực Châu Âu và các nền kinh tế mới nổi tình trạng nghiêm trọng khi ở cấp độ 4.
Cẩn trọng, nếu ngân hàng không muốn khuếch đại khủng hoảng
IMF cho rằng vào năm 2007-2008, các ngân hàng đã giảm mạnh cho vay ra do căng thẳng và thua lỗ đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính lên các nền kinh tế.
“Một sự nguy hiểm giống như vậy có thể lặp lại. Tuy nhiên, tấm đệm vốn mà các ngân hàng xây đắp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “dày thêm”, sẽ giúp ngân hàng ít bị thiệt hại hơn”, IMF nhấn mạnh.
Theo IMF, hiện các ngân hàng cũng đang nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản tốt hơn so với trước đây. Hơn nữa, ngân hàng trung ương nhiều nước đã có những hành động thực tế và phối hợp với nhau nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng ở nhiều quốc gia, bao gồm những hoạt động mua lại và hoán đổi USD, giúp giảm nhẹ căng thẳng thanh khoản và giảm thiểu tác động của chi phí tài trợ bán buôn đang tăng cao mà các ngân hàng phải đối mặt.
Thanh khoản tốt hơn cũng giúp ngân hàng chống đỡ tốt hơn với việc hạ thấp tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng.
Do đó, để ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, theo IMF, cần tiếp tục kết hợp các chính sách tiền tệ, tài khoá và lĩnh vực tài chính, nếu hoạt động kinh tế bị tê liệt lâu hơn dự kiến.
Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn vốn của các ngân hàng, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng, hoặc hỗ trợ người vay (trợ cấp trực tiếp hoặc giảm thuế) để giúp người vay trả nợ, hoặc bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng.
Với việc tái cơ cấu khoản vay cho khách hàng , các ngân hàng cần đàm phán lại các điều khoản cho vay đối với các công ty và hộ gia đình đang gặp khó khăn.
Ngân hàng có thể sử dụng bộ đệm vốn và thanh khoản hiện có để giảm chi phí tài chính cho các khoản vay được cơ cấu lại.
Các ngân hàng trung ương cũng nên đánh giá cẩn trọng để hỗ trợ những thị trường quan trọng nhằm duy trì sự ổn định tài chính, đồng thời, đưa ra càng nhiều càng tốt các chương trình hành động dự kiến, để giảm thiểu rủi ro đạo đức và rủi ro cho ngân hàng trung ương.