Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu ngày 18/4, IMF cảnh báo rủi ro với sự ổn định tài chính thế giới đã tăng thêm một phần trong 6 tháng qua. Các lỗ hổng về tài chính, vốn được tích lũy trong suốt những năm có tỷ lệ và biến động cực thấp, có thể khiến con đường trở nên gập ghềnh và làm gia tăng nguy cơ.
Các nhà đầu tư không nên "quá thoải mái" khi không có bất cứ sự gián đoạn lớn nào từ đợt bán tháo mạnh làm rung chuyển thị trường hồi tháng 2. "Giá các tài sản rủi ro tăng cao, xuất hiện tình trạng bùng nổ tín dụng, làm người ta nhớ đến thời kỳ trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Nó khiến thị trường đứng trước nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính, có thể dẫn đến kịch bản phần bù rủi ro bất ngờ giảm mạnh và giá các tài sản rủi ro điều chỉnh mạnh", IMF nhận định.
Cũng theo IMF, tình trạng bong bóng giá đang xuất hiện trên các loại tài sản khác nhau. Giá cổ phiếu trên toàn thế giới đang ở mức cao, đặc biệt là ở Mỹ. Theo các chuyên gia, định giá trái phiếu của các doanh nghiệp cũng tăng lên với dấu hiệu quá nóng về nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp.
Cảnh báo mới nhất của IMF xuất hiện sau cuộc họp thường niên của Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng Trung ương từ 189 thành viên ở Washington. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh trong cuối tháng 1 và đầu tháng 2 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, trong đó chứng khoán Mỹ tụt 10%.
Ông Tobias Adrian, người phụ trách về tiền tệ và vốn của IMF, cho hay: "Đưa lãi suất dần dần trở lại mức bình thường là cách khôn lanh để giải quyết. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự thận trọng của các Ngân hàng Trung ương và các nhà hoạch định chính sách để giảm thiểu rủi ro từ việc thắt chặt các điều kiện tài chính".
Sự căng thẳng trong vấn đề thương mại thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư lo lắng trong khi tăng cường các biện pháp bảo hộ có thể ảnh hưởng tới kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu. IMF đã lưu ý rằng các nhà đầu tư hiện không quá lo ngại với nguy cơ lạm phát gia tăng trong vài năm tới, khiến thị trường dễ bị tổn thương trước "lạm phát bất ngờ".
Theo ông Adrian, sự bùng nổ của tiền số khiến hệ thống tài chính đứng trước rủi ro phát sinh từ đòn bẩy của các nhà đầu tư với loại tài sản này. Ngoài ra, tiền số còn có những yếu điểm về cơ sở hạ tầng giao dịch tiền số, nguy cơ gian lận hay những biến động cao về giá khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.
Mặc dù lĩnh vực ngân hàng đã trở nên linh hoạt hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, IMF vẫn cho rằng các quốc gia phải tuân thủ những cách mà họ cam kết sau suy thoái.