Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ mở rộng trong năm nay với tốc độ nhanh nhất, khi việc triển khai vaccine tăng tốc và các nền kinh tế tiên tiến chi tiêu mạnh tay để chống lại đại dịch COVID-19.
IMF kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay
IMF kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1980, khi tổ chức này bắt đầu theo dõi dữ liệu về một nhóm các quốc gia có thể so sánh được. Đó là sự nâng cấp so với dự báo tăng trưởng 5,5% mà IMF đưa ra vào tháng 1. Đại dịch đã cắt giảm sản lượng toàn cầu ước tính khoảng 3,3% vào năm 2020, kết quả tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái.
Trước đó, Mỹ đã cam kết chi khoảng 5 nghìn tỷ USD kể từ năm ngoái để đối phó với đại dịch Covid-19 và sự suy thoái kinh tế của nó, bao gồm gói 1,9 nghìn tỷ USD đã được phê duyệt vào tháng 3. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn gần như bằng 0 trong khi mua hàng nghìn tỷ đô la chứng khoán. Các nền kinh tế tiên tiến khác, bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Anh, cũng đã theo đuổi các chiến lược tương tự.
"Với 1,9 nghìn tỷ USD, gói tài chính mới của chính quyền Biden dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ vào năm 2021 và cung cấp tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các đối tác thương mại", báo cáo của IMF cho biết.
Bất chấp các vấn đề với việc triển khai vắc-xin ở châu Âu và sự gia tăng cục bộ trong các trường hợp Covid-19 do các biến thể của bệnh gây ra, IMF đã nâng dự báo cho các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Canada, Anh và Ý.
IMF chỉ ra rằng, sự phục hồi sẽ kém mạnh mẽ hơn ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu hàng hóa và du lịch sụt giảm và thường thiếu nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế của họ.
Đại diện quỹ tiền tệ Quốc tế cảnh báo Mỹ và các quốc gia giàu có khác không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, tránh tăng chi phí đi vay và gánh nặng nợ cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính từ nước ngoài
Bà Gita Gopinath, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nói: "Sự phục hồi đa tốc độ đang được tiến hành ở tất cả các khu vực và giữa các nhóm thu nhập, liên quan đến sự khác biệt rõ rệt về tốc độ triển khai vaccine, mức độ hỗ trợ kinh tế - chính sách và các yếu tố cấu trúc như phụ thuộc vào du lịch".
Ở châu Phi cận Sahara, GDP dự kiến sẽ tăng 3,4% trong năm nay, cải thiện so với mức dự báo 3,2% vào tháng Giêng. Sản lượng ở Mỹ Latinh và Caribe dự kiến sẽ tăng 4,6%, tăng từ 4,1%. Nhìn chung, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7%, tăng so với mức dự báo 6,3% vào tháng 1.
Trong bối cảnh vận may kinh tế đang phân hóa, bà Gopinath cảnh báo Mỹ và các quốc gia giàu có khác không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm. Lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế tiên tiến có thể làm tăng chi phí đi vay và gánh nặng nợ cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính từ nước ngoài trong khi rút vốn đầu tư.
"Các Ngân hàng Trung ương lớn nên cung cấp hướng dẫn rõ ràng về các hành động trong tương lai với thời gian chuẩn bị đủ nhiều. Tránh tình trạng như năm 2013, khi đề xuất bất ngờ của Fed rằng có thể thắt chặt chính sách, khiến lợi tức kho bạc tăng vọt. Việc tăng tỷ lệ kinh tế cần có trật tự và phản ánh kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhưng không gây khó khăn cho các quốc gia khác", bà Gopinath nhấn mạnh.