Trong phần thảo luận cùng các chuyên gia, ông Painchaud đã đưa ra một số ý kiến liên quan tới tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản tại Việt Nam hiện nay.
Về TPDN, ông Painchaud đánh giá đây là công cụ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Theo ông, việc giám sát thị trường này không nên quá chặt chẽ, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để thị trường này xuất hiện nhiều vấn đề tồn tại. Vấn đề không chỉ nằm trong việc thiết kế các chính sách luật pháp mà còn ở việc thực hành, thực thi các chính sách đó như thế nào.
Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam trình bày tham luận "Ổn định tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 và triển vọng kinh tế năm 2022"
Ông Painchaud có đưa ra một số khuyến nghị cho thị trường TPDN tại Việt Nam. Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cho biết công tác quản trị doanh nghiệp và các quy tắc hạch toán, kế toán cần phải cải thiện. So với các quốc gia khác có thị trường TPDN phát triển, Việt Nam cần phải học hỏi rất nhiều về 2 vấn đề này.
Việt Nam cần có sự củng cố trong việc phát hành trái phiếu và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Cụ thể, việc phát hành trái phiếu nên được triển khai rộng rãi ra công chúng thay vì chỉ phát hành riêng lẻ.
Ông Painchaud chia sẻ thêm: "Hiện tại Việt Nam có rất ít cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng nên cần tập trung phát triển các cơ quan này".
Ngoài ra, vấn đề số liệu, dữ liệu về thị trường TPDN tại Việt Nam còn thiếu hụt. Ông Painchaud cho rằng, nắm bắt được số liệu sẽ giúp nắm bắt được mối liên hệ giữa ngân hàng, định chế tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm để nhìn nhận, đánh giá tình hình và đưa ra cách thức kiểm soát rủi ro để không tràn sang lĩnh vực ngân hàng.
Ông Painchaud cùng các chuyên gia kinh tế thảo luận tại hội thảo.
Chia sẻ về thị trường bất động sản, ông Painchaud cho biết, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến sự tăng giá của thị trường này. Sự khác biệt duy nhất giữa Việt Nam và các quốc gia này là sự thiếu hụt về dữ liệu. Theo ông, sự thiếu dữ liệu, hiểu biết về định giá, nguồn cung cũng như các giao dịch làm cho việc xác định và đánh giá rủi ro liên quan trở nên khó khăn.
Ông Painchaud khuyến nghị Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia khác cách thức kiểm soát đà tăng giá của vực này. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Indonesia có các chỉ số phục vụ cho việc vay vốn của các nhà phát triển bất động sản.
Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cho biết, hoạt động kiểm soát rủi ro đã được rất nhiều quốc gia thực hiện. Ông đơn cử như Singapore gần đây đã giới thiệu chính sách đánh thuế dựa trên giao dịch bất động sản. Tỷ suất thuế sẽ gia tăng nếu đó là giao dịch thứ 2 hoặc thứ 3 về bất động sản của nhà đầu tư đó.