Ngày 11/10/2018, trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên IMF/WB 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có buổi tiếp ông Mitsuhiro Furusawa, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Furusawa chúc mừng những thành quả kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, thể hiện qua Báo cáo Điều IV của IMF 2018 đối với Việt Nam và cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia được IMF đánh giá cao nhờ những tiến bộ trong phát triển kinh tế, vì vậy, đã được ban lãnh đạo IMF thống nhất áp dụng quy trình rút gọn (lapse-of-time - LOT) trong phê duyệt báo cáo điều IV do tin tưởng vào thành quả và tiềm năng phát triển kinh tế cũng như đánh giá Việt Nam không có rủi ro ngắn hạn.
Tại buổi tiếp, Thống đốc đã thông báo một số kết quả kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011; lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới mức mục tiêu bình quân 4% cả năm do Quốc hội đề ra; lạm phát cơ bản được giữ ổn định ở mức 1,41%. Vốn FDI giải ngân 9 tháng đầu năm đạt 13,25 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017; Chính phủ đã thông qua Chiến lược Phát triển Ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo cơ sở cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại và tăng diện bao phủ của dịch vụ ngân hàng trong xã hội.
Cũng tại buổi tiếp, Thống đốc bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ và tư vấn chính sách của IMF nói chung và cá nhân Phó Tổng Giám đốc nói riêng dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực như cải cách cơ cấu, cải thiện hiệu quả chính sách tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, thống kê, chính sách tài khóa, quản lý đầu tư công.
Đặc biệt, Thống đốc cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của ông Furusawa trong việc thuyết phục Ban Giám đốc điều hành IMF thông qua cơ chế LOT, không qua phê duyệt tại Ban Giám đốc điều hành, đối với Báo cáo Đoàn Điều IV năm 2018 đối với Việt Nam. Đây là sự công nhận của IMF đối với kết quả kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Chính phủ, NHNN và các cơ quan quản lý của Việt Nam trong năm qua.
Phó Tổng Giám đốc Furusawa khẳng định những kết quả trên có đóng góp rất lớn của NHNN nhờ quá trình điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bám sát mục tiêu, nhờ đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối được giữ ổn định và niềm tin của nhà đầu tư được củng cố.
Phó Tổng Giám đốc IMF cũng đặc biệt đánh giá cao việc trước những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế, với đặc điểm nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vẫn giữ chân được dòng vốn nước ngoài bất chấp xu hướng dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi gần đây (lên tới 13,9 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2018). Việt Nam là một trong ít các nước trong khu vực giữ được trạng thái dòng vốn vào ròng dương trong bối cảnh hầu hết các nước trong khu vực đang ở trạng thái dòng vốn ra ròng.
Phó Tổng Giám đốc Furusawa tin tưởng Chiến lược phát triển mới được phê duyệt sẽ giúp NHNN nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm đối phó với những rủi ro, bất trắc trong thời gian tới.