Trong một tuyên bố chung, hai tổ chức này cho biết họ tập trung hướng đến các nước nghèo nơi hệ thống y tế vẫn còn yếu kém và kêu gọi các nước thành viên tăng cường hệ thống giám sát và ứng phó sức khỏe để ngăn chặn virus.
"Hợp tác quốc tế là điều cần thiết để đối phó với tác động về sức khỏe và kinh tế của virus COVID-19", trong một tuyên bố của hai tổ chức này. Họ cho biết cả IMF và Ngân hàng Thế giới đều cam kết hỗ trợ những nỗ lực này.
Sự bùng phát đại dịch này đang khiến nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo vào hôm thứ Hai, kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương chống lại sự suy thoái thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.
Bộ trưởng tài chính từ 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị từ xa vào ngày 3/3 để thảo luận về các biện pháp đối phó với tác động kinh tế của sự bùng phát dịch coronavirus, theo một vài nguồn tin chia sẻ với Reuters. IMF cho biết họ có một loạt các phương tiện và công cụ trong bộ công cụ của mình để giúp các quốc gia đối phó với tác động kinh tế của coronavirus.
Công cụ tín dụng khẩn cấp (The Rapid Credit Facility – RCF) và Chương trình hỗ trợ tài chính nhanh (Rapid Financing Instrument - RFI), có thể hỗ trợ tài chính khẩn cấp, cho phép các quốc gia thành viên có thể giải ngân nhanh chóng, đã được sử dụng vào năm 2016 để giúp hồi puhcj Ecuador sau một trận động đất lớn.
IMF cũng có thể tăng cường các chương trình cho vay hiện có để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh. Chẳng hạn, tổ chức đã cung cấp thêm tiền cho Guinea, Liberia và Sierra Leone vào năm 2014 để chống lại dịch Ebola.
Hôm thứ Năm tuần trước , phát ngôn viên của IMF Gerry Rice nói với các phóng viên rằng Quỹ đã không nhận được bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào.
Bộ trưởng Tài chính Somalia Abdirahman Duale Beileh nói với Reuters tuần trước trong một cuộc phỏng vấn rằng nhiều nước châu Phi đang lo lắng và theo dõi sát sao sự lây lan của virus này, hiện đã lây nhiễm cho hơn 89.000 người trên toàn thế giới và khiến hơn 3.000 người tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc.
"Bất kỳ ai cũng đều quan tâm. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng nó không đến với chúng tôi. Nếu điều đó xảy ra ở Châu Phi, sẽ là một thảm họa vì chúng tôi không có đủ cơ sở vật chất y tế, ông Beileh chia sẻ.
Tham khảo CNA