Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, nhà thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vốn Trung Quốc tại Indonesia ước tính khoản đầu tư của họ sẽ phải mất 40 năm mới có lãi - gấp đôi thời gian so với tính toán ban đầu.
Theo đó, nguyên nhân khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi lâu hơn là do siêu dự án đầy tham vọng của Indonesia nhằm di dời thủ đô từ thành phố Jakarta trên đảo Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, sang khu vực Bắc Penajam Paser và một phần của khu vực Kutai Kertanegara, Đông Kalimantan, nơi có đường biên giới với Malaysia và Brunei.
Trong phiên điều trần của Quốc hội Indonesia, ông Dwiyana Slamet Riyadi, Chủ tịch liên doanh PT KCIC - gồm các công ty Trung Quốc và Indonesia tham gia dự án xây dựng đường sắt cao tốc - cho biết Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề đội vốn khoảng 2 tỷ USD, tức tăng khoản chi phí đầu tư lên khoảng 7,84 tỷ USD.
Indonesian President Joko Widodo visits a tunnel construction site last month. Photo: Xinhua
Tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung ở Tây Java được khởi công vào háng 1/2016, và từng nhiều lần bị trì hoãn do các vấn đề về kinh phí như thu hồi, giải phóng mặt bằng, hay thiếu lao động trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Ông Riyadi cho biết do kế hoạch dời đô vào năm 2024 của chính phủ Indonesia, các chuyến tàu cao tốc dự kiến sẽ giảm gần 50% lượng hành khách mỗi ngày (hơn 31.000 hành khách/ngày) so với ước tính trước đó (hơn 61.000 hành khách/ngày).
Ông Riyadi nói: "Xét về giá trị đầu tư, số lượng hành khách và giá vé, rất khó để đạt được mức doanh thu như ước tính trước đó từng cho rằng tuyến đường sắt cao tốc có thể thu về lợi nhuận trong vòng 20 năm." Ngoài ra, ông cũng đề xuất giá vé dao động từ 150.000 đến 350.000 rupiah (10 - 25 USD) để có thể hòa vốn trong vòng 40 năm.
Trong khi cố gắng hạn chế đội vốn, ông Riyadi cho biết đây là điều rất khó khăn do liên doanh vẫn phải chi trả thêm cho việc giải phóng thêm mặt bằng, trả lương cao hơn cho nhân công và giá nguyên liệu thô leo thang.
Tính đến cuối năm 2021, tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đã đạt 79,9%. Tuyến tàu cao tốc có kế hoạch bắt đầu chạy thử một phần tuyến đường vào cuối năm nay, và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.
Các công ty nhà nước của Indonesia, bao gồm Wijaya Karya và PT KAI, nắm giữ 60% cổ phần của PT KCIC, trong khi Tổng công ty Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc và các công ty khác của Trung Quốc nắm giữ phần còn lại./.