Cao su đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , tháng 5/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 84,46 nghìn tấn, với trị giá 135,64 triệu USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với tháng 4/2024, nhưng so với tháng 5/2023 giảm 27,9% về lượng và giảm 14,9% về trị giá. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 572,28 nghìn tấn, trị giá 859,4 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
3 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm lần lượt là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Trong đó, Indonesia đang là thị trường tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 5 Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia 1.947 tấn cao su , tương đương 3,61 triệu USD, tăng 189,7% về lượng và tăng 202,6% về kim ngạch so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng, Việt Nam thu về 14,5 triệu USD nhờ xuất khẩu hơn 8 nghìn tấn cao su sang thị trường này, tăng 83,4% về lượng và tăng 86,9% về kim ngạch. Indonesia đứng thứ 5 trong số các thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1,41% về lượng và 1,69% về kim ngạch.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.803 USD/tấn, tăng 1,87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia là một trong những nhà sản xuất và cung cấp cao su tự nhiên lớn trên thế giới và sản lượng chiếm khoảng 23% tổng nguồn cung của thế giới. Năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên của Indonesia đạt 2,65 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm 2022. Diện tích trồng cao su trong năm 2023 của Indonesia đạt 3,55 triệu ha, giảm nhẹ 0,3% so với năm 2022; diện tích thu hoạch đạt 2,63 triệu ha, giảm 2,4% so với năm 2022.
Indonesia từng là nguồn cung cấp cao su thiên nhiên (NR) ưa thích của nhiều công ty săm lốp ô tô trên thế giới phần lớn bị thu hút bởi lợi thế chi phí so với các đối tác ở các nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, NR Indonesia đã mất lợi thế về chi phí trong vài năm qua phần lớn do sản lượng mủ thấp từ các vườn cao su do các yếu tố.
Thứ nhất, năng suất trung bình từ cây cao su ở Indonesia đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự bùng phát của bệnh nấm Pestalotiopsis vào năm 2017 và sự lây lan sau đó của nó đã lây nhiễm cho gần 0,4 triệu ha cây cao su trưởng thành ở nước này.
Cấu trúc già cỗi của vườn cao su cũng góp phần làm cho năng suất kém. Để có được năng suất mong muốn từ vườn cây, cây phải được đốn khi hết tuổi thọ kinh tế (khoảng 25 năm sau khi trồng) và trồng lại bằng các dòng vô tính cải tiến. Nhưng những nông dân nghèo thường buộc lòng phải hoãn tái canh do chi phí tái canh cao, thiếu các nguồn thu nhập khác để tồn tại trong thời gian kiến thiết cơ bản dài và không chắc chắn về triển vọng dài hạn từ dự án kinh doanh.
Ngoài ra, từ đầu năm 2024, với sự biến động thời tiết và hiện tượng El Nino đến sớm, khiến cho các quốc gia cung ứng cao su nguyên liệu lớn nhất thế giới như Thái Lan, Indonesia suy giảm dẫn tới nguồn cung cao su nguyên liệu giảm mạnh.
Sự suy giảm sản lượng của Indonesia ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng xuất khẩu . Tháng 1/2024, Indonesia xuất khẩu được 137 nghìn tấn cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp, giảm 19% so với tháng 1/2023 (trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên đạt 136 nghìn tấn, giảm 19%; xuất khẩu cao su hỗn hợp đạt 1.000 tấn, giảm 50% so với tháng 1/2023). Gặp khó về nguồn cung nên nước này phải tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam.