Venezuela là nước có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới với 300,9 tỷ thùng dầu. Tuy nhiên, sự giàu có về tài nguyên này lại không đủ để cứu Venezuela thoát khỏi khủng hoảng về kinh tế và con người trong thời gian vừa qua.
Ngành dầu mỏ của quốc gia này thậm chí đang gặp rắc rối lớn từ sau khi Mỹ công bố biện pháp cấm vận nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela, bao gồm đóng bang 7 tỷ USD tài sản của tập đoàn ở Mỹ và giới hạn các giao dịch của tập đoàn này.
Arab Saudi là nước có dự trữ dầu mỏ lớn thứ hai sau Venezuela với 266,5 tỷ thùng. Hiện quốc gia Trung Đông này cũng với các thành viên của OPEC đang thực hiện chiến dịch giảm sản lượng dầu để kích thích giá dầu đi lên, bất chấp khả năng thị phần bị sụt giảm.
Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách với 36,5 tỷ thùng. Ngành công nghiệp dầu đá phiến phát triển bùng nổ trong vài năm trở lại đây dần biến Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu ròng dầu thô, đe dọa thị phần của Arab Saudi và các nước thành viên của OPEC. Cũng chính dầu đá phiến giúp Mỹ trở nên có tiếng nói hơn trên thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, việc Mỹ duy trì sản lượng dầu ở mức kỷ lục trong thời gian gần đây khiến giá dầu thế giới nhiều phiên thủng đáy.
Việt Nam có dự trữ dầu mỏ ước đạt 4,4 tỷ thùng, xếp thứ 26.
Arab Saudi được cho là nước có lợi thế lớn nhất vì có dự trữ dầu mỏ lớn và chi phí rẻ. Chi phí để sản xuất 1 thùng dầu của quốc gia Trung Đông này rẻ thứ 3 thế giới, là 3 USD/thùng, chỉ đứng sau Iraq và Iran.
Nếu cộng với các chi phí khác, như chi phí vốn, thuế và chi phí quản lý/vận chuyển, ngành dầu mỏ Arab Saudi có tổng chi phí rẻ nhất thế giới với 8,98 USD/thùng. Mức chi phí rẻ như vậy cho phép Arab Saudi vẫn có lời gần như ở bất kỳ mức giá nào.
Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phải tốn 23,35 USD cho mỗi thùng dầu.