Ngân sách nhà nước tiếp tục bội thu; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn 31% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải nhộn nhịp; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lớn...
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, trong đó cập nhật những thông tin toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn.
Theo GSO, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và gần nhất là trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực dù vẫn còn một khoảng cách nhất định để đạt được ngưỡng phục hồi như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19
Cụ thể, lũy kế tổng thu NSNN 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% % dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều khoản thu chính tiếp tục tăng trưởng. Sau 8 tháng đầu năm, NSNN bội thu 251,7 nghìn tỷ đồng , tăng thêm hơn 700 tỷ đồng so với thống kê của tháng liền kề.
Sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Trong giai đoạn, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính chung cả giai đoạn, chỉ số IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Theo GSO, sau 8 tháng, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 149,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,2% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 48,3%.
Với đà hãm do giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước dù giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; cũng như bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại...
Hoạt động vận tải tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Trong tháng 8, vận chuyển hành khách gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều khởi sắc nhưng nhìn chung sản lượng vận chuyển 8 tháng năm nay mới bằng 75,9% và luân chuyển bằng 74,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đồng thời, tính chung cả giai đoạn, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Những thông tin đáng chú ý khác về hoạt động sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư và hoạt động bán lẻ - dịch vụ... trong 8 tháng đầu năm 2022 được GSO thống kê trực quan, cụ thể qua Infographic dưới đây: