Theo Nikkei Asia, ngày 14/7, trong buổi họp online được tổ chức bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ, các đại diện doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang triển khai những biện pháp phòng dịch khác nhau như lập trại tại nơi làm việc, chia ca giãn cách, để nhân viên làm việc ở nhà đến mức tối đa…
Đây chỉ là một vài cách mà các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng để duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhằm đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 được xem là tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
70% nhân viên Intel được tiêm phòng Covid-19
Nhà máy Intel ở Việt Nam là nơi lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của "ông lớn" công nghệ Hoa Kỳ. Đây là chưa kể, các sản phẩm đầu ra của nhà máy góp phần không nhỏ vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tờ báo của Nhật Bản đưa tin, 71% nhân viên Intel tại Việt Nam đã được tiêm phòng Covid-19. Bên cạnh đó, Intel cũng chi trả, hỗ trợ thêm cho nhân viên, đưa nhân viên lưu trú tại khách sạn và cung cấp cho nhân viên giấy chứng nhận kiểm tra Covid-19. Tất cả những biện pháp này nhằm giúp nhà máy duy trì hoạt động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng tại một trong những thị trường cung cấp hàng điện tử quan trọng trên thế giới.
Bà Uyên Hồ, Giám đốc Intel Việt Nam và Malaysia, trả lời với Nikkei Asia rằng nhiệm vụ hàng đầu Việt Nam là đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp như Intel cũng cần phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Coca-Cola trả thêm tiền cho công nhân phải ở lại nhà máy vì đại dịch
Coca-Cola là một trong nhiều doanh nghiệp áp dụng biện pháp dựng lều ngay tại nơi làm việc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Trả lời với Nikkie Asia, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, Giám đốc nhân sự của công ty cho biết Coca-Cola Việt Nam đã trả thêm khoảng 10 USD/ngày cho những công nhân sống tại nhà máy và đã nhận được sự đồng thuận từ người lao động. "Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình trong thời gian này để bảo vệ sức khỏe lẫn tinh thần cho người lao động", bà Trúc nói.
Để duy trì môi trường sinh hoạt cho hơn 100 nhân sự, doanh nghiệp đã lên một thời khóa biểu cụ thể để giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi nhân viên có một lều riêng được trang bị những đồ dùng cơ bản và có dịch vụ giặt ủi miễn phí.
"Đến nay, Coca Cola Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên 14 ngày của chương trình "3 tại chỗ" và 98% người lao động vẫn cảm thấy an toàn, thoải mái. Sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người lao động sẽ tác động lớn đến năng suất lao động", bà Trúc chia sẻ thêm.
"Ông lớn" về công nghệ y tế tăng cường test nhanh Covid-19 cho nhân viên
Công ty Diversatek là doanh nghiệp lớn của Mỹ, chuyên sản xuất vật tư y tế cung cấp cho 70 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, nhu cầu về vật tư phục vụ công tác y tế đang ngày càng tăng mạnh nên doanh nghiệp càng phải đẩy mạnh việc sản xuất, không để gián đoạn khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường. Do đó, công ty luôn ưu tiên sức khỏe của người lao động cũng như người thân bằng cách lập khu lưu trú cho nhân viên và thường xuyên cho nhân viên kiểm tra nhanh Covid-19.
Jonathan Moreno, Tổng giám đốc công ty công nghệ y tế Diversatek Việt Nam, cho biết mới đây, doanh nghiệp đã chuyển hơn một nửa số nhân viên của công ty đến các cơ sở ở ngoại thành TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, Diversatek cũng đã tăng giờ làm thêm và các khoản phụ cấp, tăng gấp đôi lương cho nhân viên.
Nikkei cũng đưa tin rằng, trong khi nhiều người nhấn mạnh sự thihành công của các biện pháp đã được thực hiện, đại diện của các doanh nghiệp cũng đang kiến nghị với các cơ quan chức năng trong việc giúp đỡ về giấy phép cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Họ đề xuất chấp nhận xét nghiệm kháng nguyên nhanh thay cho xét nghiệm PCR trong một số trường hợp.
Trong khoảng thời gian bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ, Việt Nam đã bổ sung đối tượng công nhân nhà máy, bao gồm cả những người sản xuất các sản phẩm của Samsung và Apple, vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine trong tháng 5.