Theo tin từ Nikkei, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol ngày 2/1 đã phát thông báo truy nã Carlos Ghosn, cựu chủ tịch hãng ôtô Nissan, theo yêu cầu của cơ quan điều tra Nhật Bản sau khi ông này tẩu thoát một cách bí ẩn dù đang bị quản thúc tại gia ở Tokyo.
Bộ trưởng Tư pháp Albert Serhan của Lebanon trước đó đã xác nhận với hãng tin AP rằng nước này đã nhận được thông báo từ Interpol. Tuy nhiên, nước này không có ý định dẫn độ Ghosn trở lại Nhật bởi hai nước không có thoả thuận dẫn độ. Ông Serhan cho biết Ghosn có thể bị tra hỏi bởi các công tố viên Lebanon.
"Thông báo đỏ" của Interpol cảnh báo lực lượng cảnh sát trên toàn cầu rằng một cá nhân bị truy nã và yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật định vị và tạm thời bắt giữ người đó để chờ dẫn độ hoặc có các động thái pháp lý tương tự. Tuy nhiên, Interpol không thể buộc một quốc gia tuân thủ điều này và thông báo của cơ quan này không phải là lệnh bắt giữ quốc tế.
Nhật Bản chỉ có hiệp ước dẫn đô với Mỹ và Hàn Quốc. Trước đây, các quốc gia không có hiệp ước tương tự đều tôn trọng yêu cầu dẫn độ của Nhật Bản với các nghi phạm giết người hoặc phạm các tội hình sự nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, việc này không phải là bắt buộc và các quốc gia thường từ chối dẫn độ công dân nước mình.
Bà Agnes Pannier-Runacher, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, ngày 2/1 cho biết Pháp sẽ không dẫn độ Ghosn trở lại Nhật nếu ông này vào Pháp.
"Pháp không bao giờ dẫn độ công dân của mình", bà Pannier-Runacher nói với kênh tin tức BFM của Pháp. Cựu chủ tịch Nissan là công dân Pháp và Lebanon.
Thông báo đỏ của Interpol được phát đi cùng ngày với lệnh bắt giữ 7 nghi phạm có liên quan tới vụ tẩu thoát của Ghosn của Thổ Nhĩ Kỳ, tờ báo địa phương Anadolu Agency cho biết. 7 người này - gồm 4 phi công, 1 giám đốc vận hành của một công ty chuyển phát nhanh và 2 nhân viên của một công ty xử lý dịch vụ mặt đất - là những người đầu tiên bị bắt trong vụ tẩu thoát của cựu chủ tịch Nissan.
Trước đó, các quan chức Nhật Bản đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ lập tức có động thái mạnh mẽ sau vụ tẩu thoát bí ẩn này. Cựu chủ tịch Nissan, bị cáo buộc gian lận tài chính ở Nhật, được cho là đã tới Thổ Nhĩ Kỳ qua sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 2/1, các công tố viên Tokyo đã lục soát tư gia của Ghosn. Họ đã kiểm tra camera an ninh, đồ đạc cá nhân của Ghosn nhằm điều tra cách ông đào tẩu khỏi nước này.
Cùng ngày, cựu chủ tịch Nissan phát thông cáo, trong đó phủ nhận rằng gia đình đã giúp ông trốn khỏi Nhật.
"Có nhiều đồn đoán trên truyền thông nói rằng vợ tôi Carole và các thành viên khác trong gia đình, đã giúp tôi rời Nhật. Tất cả những tin đồn như vậy là sai sự thật. Tôi đã tự mình sắp xếp việc này. Gia đình tôi không đóng vai trò nào cả", Ghosn cho biết trong thông cáo.
Theo một nguồn tin từ chính phủ Nhật, các quan chức Lebanon đã đề nghị cho Ghosn được trở về quốc gia Trung Đông này khi ông Keisuke Suzuki, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, có cuộc gặp với Tổng thống Lebanon Michel Aoun ở Beirut hôm 20/12. Tuy nhiên, ông Suzuki đã từ chối yêu cầu này và nói rằng Nhật Bản thực hiện quy trình pháp lý công bằng trong vụ của Ghosn.
Ghosn có hai hộ chiếu của Pháp, trong đó có một tấm đã bị huỷ bỏ và một tấm được giữ trong két khoá tại nhà riêng ở Tokyo. Toà án Quận Tokyo đã cho phép ông giữ một tấm hộ chiếu thứ hai ở trong két sắt trên và các luật sư của ông giữ chìa khoá. Tuy nhiên, cựu chủ tịch Nissan được cho là đã vào Lebanon với hộ chiếu Pháp và giấy tờ tùy thân do Lebanon cấp. Các quan chức Lebanon cho biết việc để Ghosn nhập cảnh vào nước này là hợp pháp.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Cơ quan Dịch vụ Nhập cảnh Nhật Bản nói rằng không có ghi chép nào về việc Ghosn đã rời Nhật trong cơ sở dữ liệu chính thức của nước này. Điều này cho thấy ông đã không thực hiện các quy trình hợp pháp để rời Nhật.