IoT làm thay đổi cuộc sống các bà nội trợ
Bếp núc và chăm lo cho gia đình chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Cuộc sống càng phát triển, gian bếp càng trở nên quan trọng trong nhiệm vụ kết nối và vun đắp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Cuộc sống phát triển, kéo theo những đột phá về công nghệ hay sự ra đời của smartphone và mạng xã hội… khiến cho người phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì những bữa ăn đầm ấm giữa các thành viên trong gia đình.
Những sản phẩm công nghệ, với hàng loạt đột phá về mặt kỹ thuật, liên tiếp ra đời nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, làm việc hay thỏa mãn đam mê của con người. Không thể phủ nhận sự cuốn hút của các sản phẩm công nghệ với mọi lứa tuổi, bất kể vùng miền hay cả tập tính văn hóa, tôn giáo. Những khoảng thời gian, vốn dành cho gia đình, cũng đang phải chia sẻ nhiều cho những đam mê với công nghệ.
Tuy nhiên, bài toán khó dường như đã được Samsung ra lời giải. Thay vì mải mê phát triển công nghệ cho những thú vui cá nhân, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang nỗ lực trang bị Trí tuệ nhân tạo và Internet Vạn vật (IoT) cho những sản phẩm gia dụng.
Trong năm 2017, Samsung đã tuyên bố mọi sản phẩm mà họ bán ra thị trường vào năm 2020 sẽ đều được kết nối với nền tảng IoT. Cùng với đó, tất cả các sản phẩm đều có thể kết nối với nhau và kết nối với thế giới bên ngoài để giúp cuộc sống trở nên đơn giản và tiện lợi hơn.
Ông Hyunsuk (HS) Kim, Chủ tịch, Giám đốc mảng Điện tử Tiêu dùng và Nghiên cứu của Samsung, tuyên bố: "Chúng tôi cam kết đồng loạt triển khai tất cả các thiết bị thông minh của Samsung vào năm 2020. Điều này sẽ giúp các bà nội trợ đạt được những điều mong muốn nhanh chóng hơn".
Để hiện thực hóa tham vọng, Samsung đã đổ 14 tỷ USD vào nghiên cứu đột phá công nghệ của IoT nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ kết thông suốt các thiết bị gia dụng tại nhà, tại văn phòng và khi di chuyển. Samsung đã công bố ứng dụng chung SmartThings (bao gồm các ứng dụng Samsung Connect, Smart View, ARTIK…), một phương thức mới để bà nội trợ quản lý và kiểm soát các thiết bị trong gia đình một cách đơn giản và tiện lợi.
Tham vọng lớn đằng sau chiếc tủ lạnh 4.0
Tại Triển lãm Công nghệ lớn nhất thế giới năm 2018 (CES), Samsung đã cho ra mắt chiếc tủ lạnh thông minh Family Hub phiên bản thứ 2. Nó không chỉ làm lạnh thực phẩm giống như những thiết bị thông thường mà còn có thể giúp bà nội trợ làm được những công việc mà trước đây họ không thể nghĩ tới. Màn hình cảm ứng, điều khiển bằng giọng nói hay sự kết nối với toàn bộ ngôi nhà thông qua SmartThings IoT biến chiếc tủ lạnh trở thành trợ thủ đắc lực của các bà nội trợ.
Ra mắt lần đầu năm 2016, Family Hub được phát triển để trở thành trung tâm điều khiển của toàn bộ ngôi nhà. Tuy nhiên, việc tích hợp trợ lý ảo Bixby và SmartThings vào chiếc tủ lạnh thế hệ 2 sẽ mang đến cho nó những khả năng khác biệt, phục vụ nhu cầu sử dụng của cả gia đình chứ không chỉ gói gọn trong gian bếp.
Được kết nối với Internet, hệ thống máy quay trong tủ cho phép bà nội trợ biết mình cần chuẩn bị những gì cho bữa tối dù ở văn phòng, đang ngoài đường hay thậm chí là lúc đứng trong siêu thị. Nếu người dùng phân vân về cách nấu một món ăn lạ, chiếc tủ cũng có thể gợi ý công thức. Hạn sử dụng của thực phẩm, chế độ ăn uống phù hợp với đặc thù của từng gia đình cũng được cung cấp sẵn…. Chiếc tủ lạnh cũng có thể kết nối với mọi thiết bị thông minh khác trong nhà, từ TV, điện thoại tới hệ thống dàn âm thanh.... Nó cho phép người dùng dễ dàng kiểm soát mọi thứ một cách dễ dàng hơn.
"Là một người thường xuyên phải mang theo một danh sách dài những thứ cần mua khi đi siêu thị, tính năng soi đồ bên trong tủ thông qua chiếc điện thoại thông minh sẽ rất hữu dụng với cá nhân tôi", một nữ biên tập viên chuyên trang công nghệ Tech Crunch nói về sản phẩm mới của Samsung.
Kiểm soát mọi thứ với SmartThings
Chiếc tủ lạnh cũng chỉ là một trong chuỗi sản phẩm Samsung phát triển nhằm giúp thay đổi cuộc sống của các bà nội trợ và làm cho việc kết nối gia đình trở nên dễ dàng hơn.
Trên thực tế, nhà thông minh không phải một sản phẩm mới. Điện thoại thông minh ra đời đã tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực này, dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của những ngôi nhà tích hợp công nghệ cao. Tuy nhiên, thị trường nhà thông minh luôn có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ giữa nhiều doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp trong số đó lại xây dựng cho mình những ứng dụng khác nhau để quản lý.
Tuy nhiên, dù sống trong một ngôi nhà thông minh, các bà nội trợ cũng phải sử dụng nhiều cách khác nhau để điều khiển và quản lý các thiết bị. Nó là rảo cản lớn với người dùng, đặc biệt là những người phụ nữ luôn phải bận bịu với công việc bếp núc. Samsung đã phát triển và cho ra đời SmartThings ra đời nhằm xóa sổ điều này.
Được tích hợp sẵn trên tất cả các sản phẩm của Samsung, SmartThings sẽ là công cụ duy nhất để điều khiển toàn bộ ngôi nhà dù bạn ở bất cứ đâu. Hệ sinh thái và sản phẩm đa dạng của Samsung được xem là chìa khóa để phát huy tối đa tiềm năng của sản phẩm mới.
Thậm chí, Samsung cũng đang hợp tác để đưa HARMAN Ignite, nền tảng điện toán đám mây hỗ trợ xe kết nối công nghệ, vào nền tảng đám mây SmartThings vì ô tô cũng đã trở thành một phần quan trọng của IoT.
Kết nối để những thiết bị thông minh trở nên thông minh hơn nhằm mang lại giá trị mới cho người dùng là mục tiêu Samsung đang theo đuổi. Những tiến bộ về công nghệ đã giúp Bixby, trợ lý ảo dựa trên giọng nói của Samsung, cho phép người dùng thực hiện được nhiều điều chỉ với chiếc điện thoại nằm gọn trong lòng bàn tay. Samsung sẽ nâng cấp ứng dụng của Bixby vào một hệ sinh thái các thiết bị kết nối rộng hơn, bao gồm hơn nửa tỷ thiết bị Samsung trên toàn thế giới.
Các thiết bị được kết nối thông suốt và vận hành bằng trí thông minh nhân tạo biến những công việc hằng ngày như giặt giũ, lên thực đơn và thậm chí xem TV trở nên dễ dàng hơn. Yếu tố đảm bảo an ninh và bảo mật cũng đã được gã khổng lồ này tính đến. Công nghệ Samsung Knox sẽ được giao trọng trách bảo mật cho hệ sinh thái IoT.
5G và câu chuyện với ô tô tự lái
Kể từ đầu năm 2018, tất cả TV thông minh Samsung bán tại Mỹ đều có trợ lý ảo Bixby, kết nối đồng bộ các thiết bị với nhau để đơn giản hóa bằng một thao tác duy nhất khi lắp đặt TV cũng như truy cập vào các ứng dụng, hình ảnh, nội dung…. Các thiết bị thông minh của Samsung sẽ kết nối và hoạt động thông suốt dưới một nền tảng điện toán đám mây. TV có thể tương tác với tủ lạnh Family Hub để cho phép người dùng lập kế hoạch xem TV, lên thực đơn các bữa ăn và nhiều hoạt động khác – dù ở màn hình TV hay màn hình cảm biến gắn trên tủ lạnh.
Bước xa khỏi không gian sống của gia đình, Samsung cũng nỗ lực cải thiện phương pháp làm việc ở công sở với Samsung Flip, giúp đơn giản hóa hoạt động làm việc nhóm tại văn phòng thông qua kết nối thông suốt với điện thoại và máy tính xách tay để mọi người nhanh chóng chia sẻ nội dung và ý tưởng.
Trong lĩnh vực mạng đi động, Samsung dành nhiều tập trung vào việc chuyển đổi sang các mạng 5G nhằm mở ra những trải nghiệm mới. Kết nối 5G là điều kiện quan trọng để Samsung tích hợp nền tảng điện toán đám mây hỗ trợ xe ô tô kết nối công nghệ, giúp truyền dữ liệu giữa phương tiện di chuyển với sự vật xung quanh như ô tô, cơ sở hạ tầng, các mạng lưới và người đi bộ giúp chiếc xe có thể hoàn toàn nhận thức và phản ứng linh hoạt với mọi vật xung quanh.
Nếu có thể hiện thực hóa những tham vọng cụ thể đã đặt ra, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thể khiến thế giới thay đổi theo cách rất khác với cuộc sống hiện nay.