Công ty phân tích thị trường công nghệ Canalys vừa đưa ra báo cáo về lượng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu từ tháng 7-9.2024, ước tính 300 triệu chiếc, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Canalys báo cáo rằng Apple đã đạt được doanh số bán hàng quý III cao nhất từ trước đến nay, tiến rất gần đến vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý III.
Mặc dù phá kỷ lục về mặt doanh số nhưng Táo khuyết vẫn kém một chút so với đối thủ Samsung - thương hiệu đắt giá nhất châu Á hiện nay. Với giá trị thương hiệu đạt mức 100,8 tỷ USD trong năm nay, Samsung vươn lên vị trí thứ 5 toàn cầu trong 5 năm liên tiếp,cũng là thương hiệu châu Á duy nhất lọt vào top 5 bảng xếp hạng này.
Tuy vậy, khoảng cách của hai thương hiệu chênh lệch không đáng kể, đến mức Canalys liệt kê cả hai đều chiếm 18% thị phần trong quý 3.
Xiaomi đứng thứ 3, chiếm 14% thị phần điện thoại thông minh trên toàn cầu từ ngày 1.7 đến 30.9.2024.
Oppo và Vivo là 2 hãng còn lại đứng trong Top 5, mỗi hãng chiếm 9% thị phần.
Điều này rất có ý nghĩa khi Samsung ra mắt điện thoại thông minh mới nhất vào tháng 7, trong khi dòng iPhone 16 của Apple chỉ được bán ra vào ngày 13 tháng 9. Các nhà phân tích của Canalys cho rằng nhu cầu đối với iPhone 15 tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thành tích này.
"Nhu cầu vẫn ở mức cao đối với dòng iPhone 15, cùng với các mẫu máy đời cũ của Apple, đã đóng một vai trò quan trọng trong hiệu suất quý 3 của hãng", Runar Bjørhovde, nhà phân tích tại Canalys, cho biết.
"Sự dịch chuyển của thị trường sang các thiết bị cao cấp, cộng với chu kỳ làm mới liên tục của các thiết bị được mua trong thời kỳ đại dịch, đang mang lại lợi ích cho Apple, đặc biệt là ở các khu vực thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ và Châu Âu", ông nói thêm.
Nhà phân tích của Canalys cũng cho biết, khi trợ lý AI tích hợp sẵn của điện thoại thông minh là Apple Intelligence tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới và hỗ trợ thêm các ngôn ngữ, điều này sẽ giúp Apple "duy trì kết quả khả quan vào cuối năm 2024 và tạo động lực cho nửa đầu năm 2025."
Mặc dù lập kỷ lục doanh số, iPhone hiện đang gặp phải vấn đề ở châu Á. Tại Trung Quốc, doanh số bán điện thoại thông minh của công ty đã giảm đáng kể do nhiều yếu tố bao gồm thông tin chính phủ nước này cấm iPhone trong các cơ quan công quyền trên khắp cả nước và cạnh tranh gia tăng từ các thương hiệu nội địa như Huawei.
Apple cũng đang đối mặt với lệnh cấm tiềm ẩn đối với iPhone 16 ở Indonesia. Điều này là do công ty đã không gia hạn một số chứng nhận nhất định và đáp ứng các cam kết đầu tư đã thỏa thuận tại nước này.
Vào ngày 8 tháng 10, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita xác nhận iPhone 16 sẽ không được bán tại Indonesia cho đến khi Apple đáp ứng các nghĩa vụ đầu tư và gia hạn chứng nhận cho nội dung địa phương, được gọi là TKDN.
"iPhone 16 của Apple hiện chưa thể được bán tại Indonesia do việc gia hạn chứng nhận TKDN vẫn đang chờ xử lý, chờ đợi Apple hiện thực hóa đầu tư thêm", ông Agus cho biết trong một cuộc họp báo tại Jakarta.
Ông Agus cho biết trước đó Apple đã có được chứng nhận cần thiết, cho phép các sản phẩm của hãng được bán tại nước này. Tuy nhiên, chứng nhận đó hiện đã hết hạn và phải được gia hạn.
Tình hình ở Trung Quốc càng trở nên phức tạp hơn bởi lệnh cấm của nước này đối với ChatGPT của OpenAI, công nghệ AI mà Apple đã tích hợp vào Siri cùng với Apple Intelligence của riêng mình. Điều này đã buộc Apple phải tìm kiếm một công ty AI của Trung Quốc để hợp tác, một động thái rất quan trọng đối với thành công của công ty tại thị trường này.
Năm 2023, Apple ghi nhận doanh thu 73 tỷ USD từ khu vực Trung Quốc Đại lục, chiếm 19% tổng doanh số của công ty. Con số này giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, Indonesia là một phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, nơi có tổng doanh số bán hàng là 30 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong tổng doanh số của Apple, trong khi Indonesia đóng góp vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.