Tuyên bố của ông Bijan Zangeneh dường như là cách ám chỉ nhằm vào Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất sau khi các nước này có động thái ủng hộ việc Chính quyền Trump siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Iran. Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tuyên bố sẽ tăng sản lượng để bù lại phần thiếu hụt do việc Mỹ trừng phạt nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.
"Iran là một nước thành viên OPEC chỉ vì những lợi ích của mình. Nếu một số thành viên OPEC đe dọa và gây nguy hiểm cho Iran, chúng tôi sẽ không ngần ngại đáp trả họ", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết trong một cuộc họp với Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo tại Tehran.
Ông Zangeneh cũng nhấn mạnh rằng OPEC đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa đơn phương hóa của một số nước thành viên và điều này có thể khiến cho OPEC sụp đổ.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu mỏ của Iran hồi tháng 11/2018, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 1 triệu thùng/ngày. Hôm 2/5, Chính quyền Trump tuyên bố sẽ ngừng việc miễn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran, điều họ không làm nửa năm trước. Đây đều là những khách hàng lớn nhất của Iran. Điều này khiến các nhà phân tích dự đoán dầu xuất khẩu của Iran có thể giảm thêm vài trăm nghìn thùng mỗi ngày.
Ả rập Xê út, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, không khẳng định rõ rằng họ sẽ bù đắp sản lượng dầu thiếu hụt của Iran. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih của nước này cho biết họ sẽ tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường dầu cân bằng và ổn định, một cách ám chỉ việc tăng sản lượng.
OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài nhóm, bao gồm cả Nga, dự kiến sẽ gặp nhau vào 2 ngày 25 và 26/6 tại Vienna để quyết định có khai tăng sản lượng dầu xuất khẩu hay không. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực hồi tháng Giêng và sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này. Ả rập Xê út hiện có thể nâng sản lượng dầu xuất khẩu mà vẫn tuân thủ thỏa thuận này vì họ đang xuất khẩu ít hơn 500.000 thùng so với mức trần.
Việc phía Iran đưa ra các bình luận cứng rắn không phải hiếm và thường không dẫn tới nhiều bất ổn. Tuy nhiên, thời điểm này được đánh giá là rất nhạy cảm với sự căng thẳng cao, có thể tạo ra những diễn biến đáng quan ngại.
Iran cũng từng đe dọa sẽ chặn Eo biển Hormuz nếu Mỹ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu mỏ của họ. Đây được coi là một trong những huyết mạch vận tải dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Việc cấm các tàu chở dầu nước ngoài đi qua eo biển này sẽ thực sự tạo ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu.