Theo nội dung được công bố bởi TPO, hội thảo sắp tới có mục đích giới thiệu tiềm năng tại thị trường Việt Nam cho các doanh nhân và thương nhân Iran. Điều này cũng hứa hẹn sự xuất hiện nhiều hơn của các doanh nghiệp Iran tại Việt Nam thời gian tới.
Trước đây TPO cũng đã từng tổ chức nhiều hội thảo với mục đích tương tự tại các thị trường khác. Việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo nằm trong chiến lược tiếp cận các thị trường xuất khẩu phi dầu mỏ của quốc gia Tây Á này.
Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Iran, ông Mostafa Mousavi cho biết tổng giá trị hàng hóa giao thương giữa hai nước đã đạt tới 352 triệu USD vào cuối tháng 3 năm ngoái. Con số này đã đánh dấu mức tăng gấp đôi so với 172 triệu USD năm trước đó.
Tuy nhiên ông cũng cho biết thêm: "Mặc dù giá trị thương mại giữa hai nước theo số liệu thống kê đạt mức 352 triệu USD nhưng theo thực tế con số này có thể cao hơn nhiều. Lý giải về điều này, ông cho hay do bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, có nhiều thương vụ trao đổi giữa Việt Nam và Iran phải thông qua một bên thứ ba. Tổng giá trị các thương vụ này có thể lên tới 700 triệu USD."
"Bởi ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, phần lớn hàng xuất khẩu của Iran đến Việt Nam phải thông qua Oman hay Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó hàng hóa Việt Nam lại được nhập khẩu qua UAE, dẫn đến việc khó có số liệu thống kê chính xác."
Trước đó, một thỏa thuận thương mại ưu đãi với mục tiêu thúc đẩy giá trị thương mại giữa hai bên lên 2 tỷ USD cũng đang được xem xét.
Phó Phòng Thương mại, Công nghiệp, Khai khoáng và Nông nghiệp Iran (ICCIMA) Karbasi nhận định: "Việt Nam và Iran đều là một phần của Hiệp định kinh tế Á – Âu. Do đó khả năng hỗ trợ nhau nhiều hơn trong việc mở rộng thị trường là hoàn toàn có thể."
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỗ đứng quan trọng trong việc sản xuất và xuất khẩu các loại hàng hóa phi dầu mỏ trên thị trường quốc tế. Trong đó chất lượng sản phẩm của nước ta được coi là thế mạnh.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 45 trong danh sách các đối tác thương mại của Iran. Các sản phẩm chủ yếu được lựa chọn để xuất khẩu sang quốc gia Tây Á này bao gồm cà phê, hồ tiêu, thức ăn thủy sản và điện thoại di động.