Đang bán dầu với giá rất rẻ nhưng Iran vẫn buộc phải giảm giá dầu thô của mình khi đồng minh, cũng là đối thủ đang giành được chỗ đứng lớn hơn ở thị trường quan trọng bậc nhất của họ là Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành điểm đến quan trọng đối với dầu Nga khi Moscow đang tìm cách duy trì dòng chảy dầu thô sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Điều này bỗng khiến Iran gặp áp lực cạnh tranh tại một trong số ít các thị trường mà họ vẫn có thể xuất khẩu dầu sau khi chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã tăng kỷ lục trong tháng 5. Nhà sản xuất thuộc OPEC+ đã vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc. Mặc dù Iran đã giảm giá dầu để duy trì sức cạnh tranh nhưng dòng chảy dầu từ Nga sang Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc nhu cầu dầu tại Trung Quốc tăng cao sau khi các lệnh giới nghiêm được nới lỏng.
"Sự cạnh tranh rất lạ lùng giữa dầu Nga và Iran mang đến lợi thế lớn cho Bắc Kinh", Vandana Hari – người sáng lập Vanda Insights có trụ sở tại Singapore cho biết. "Điều này cũng khiến các nhà sản xuất vùng Vịnh không yên tâm khi thị trường quan trọng bậc nhất của họ bị ‘đánh chiếm’ bởi dầu thô giá rẻ từ Iran và Nga".
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu Nga trong những tháng gần đây.
Từ cuối năm 2020, các dữ liệu chính thức từ Trung Quốc chỉ thống kê số liệu nhập khẩu dầu từ Iran trong 3 tháng, trong đó có tháng 1 và tháng 5/2022. Tuy nhiên, số liệu từ các bên thứ 3 cho thấy dòng dầu thô Iran chảy vào Trung Quốc khá ổn định. Sau khi giảm nhẹ vào tháng 4, lượng nhập khẩu đã đạt mức hơn 700.000 thùng/ngày trong tháng 5 và 6, theo Kpler. Tuy nhiên, hãng tư vấn FGE cho rằng dầu thô Ural của Nga đang chiếm dần thị phần của dầu Iran.
Theo các nhà giao dịch, dầu Iran được định giá thấp hơn khoảng 10 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau, ngang bằng với dầu Ural dự kiến chuyển đến Trung Quốc trong tháng 8. Mức giá này đã giảm 5-6 USD so với mức chiết khấu chỉ khoảng 4-5 USD trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Hiện tại, dầu hạng nặng và nhẹ của Iran đều được định giá ngang bằng với dầu Ural của Nga.
Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc là những khách hàng lớn của Nga và Iran. Với họ, nguồn cung giá rẻ là cực kỳ quan trọng vì họ bị ràng buộc bởi các quy tắc xung quanh việc xuất khẩu nhiên liệu - khác với các nhà nhà máy lọc dầu do Nhà nước điều hành.
Họ không được cấp hạn ngạch để vận chuyển nhiên liệu ra thị trường nước ngoài – nơi giá nhiên liệu đang rất cao trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Họ chỉ được cung cấp cho thị trường nội địa và phải chịu lỗ trong những tháng gần đây do tình trạng phong toả làm giảm nhu cầu.
Theo các thương nhân, việc Trung Quốc sẵn sàng tiếp nhận các loại dầu giảm giá bất chấp nguồn gốc đang hạn chế dòng chảy dầu từ các nhà cung cấp khác.
Các nhà cung cấp từ Tây Phi chính là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là nguồn cung từ Angola, Gabon và Cộng hoà Dân chủ Congo, theo Kpler. Sự thay đổi trong cơ cấu định giá đã khiến chi phí nhập khẩu dầu thô châu Phi bị đội lên cao hơn, vốn đã phải vận chuyển một quãng đường rất xa để đến Trung Quốc.
"Chi phí là mối quan tâm lớn, nhất là khi các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc vẫn tiếp tục không được xuất khẩu. Điều này sẽ không thay đổi, ít nhất cho đến khi nền kinh tế bắt đầu khởi sắc và nhu cầu với tất cả các loại dầu thô tăng lên", Michael Meidan – Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết.
Nguồn: Bloomberg