Các cường quốc châu Âu cho biết họ buộc phải hành động để ngăn chặn khủng hoảng phổ biến hạt nhân giữa lúc căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Họ khẳng định vẫn muốn thỏa thuận hạt nhân 2015 thành công và hành động của họ không liên quan đến chiến dịch "duy trì sức ép tối đa" lên Tehran do Mỹ dẫn đầu.
Theo Reuters, 3 quốc gia nêu trên kích hoạt điều được gọi là "cơ chế tranh chấp" trong thỏa thuận – động thái tương đương với việc chính thức cáo buộc Iran vi phạm cam kết.
Iran trước đó từng bước cắt giảm các cam kết của họ trong thỏa thuận hạt nhân 2015 kể từ khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Iran tuyên bố các động thái của Mỹ buộc họ phải làm như thế.
Iran hôm 6-1 tuyên bố xóa bỏ giới hạn làm giàu uranium. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Anh-Pháp-Đức khẳng định họ không chấp nhận lời giải thích này, đồng thời bày tỏ hy vọng về việc Iran quay lại thực hiện đầy đủ cam kết trong thỏa thuận. Kích hoạt cơ chế tranh chấp có thể dẫn đến việc Liên Hiệp Quốc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javd Zarif trong một tuyên bố cùng ngày đã chỉ trích hành động của Anh-Pháp-Đức, nói rằng việc kích hoạt cơ chế tranh chấp là một động thái vi phạm pháp luật, vô căn cứ và là "một sai lầm chiến lược từ khía cạnh chính trị".
Anh-Pháp-Đức gia tăng sức ép lên Iran giữa lúc quan hệ Tehran-Washington leo thang căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran, dẫn đến việc quốc gia này tấn công tên lửa đáp trả căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.
Thảm kịch đã xảy ra khi Iran bắn nhầm máy bay thương mại của hãng hàng không quốc gia Ukraine, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng.
Tổng thống Iran Hassan Rhouhani hôm 14-1 cho biết đã bắt giữ các nghi phạm liên quan đến thảm kịch nêu trên, đồng thời cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm cho "sai lầm không thể tha thứ".
Tổng thống Iran Hassan Rhouhani tuyên bố trừng phạt nghiêm những kẻ liên quan đến vụ bắn nhầm máy bay thương mại của Ukraine. Ảnh: Reuters