Hồi đầu tuần, Anh và Mỹ cảnh báo IS-K đang lên kế hoạch tấn công khủng bố giữa lúc các nước phương Tây đẩy mạnh chiến dịch sơ tán công dân từ thủ đô Kabul của Afghanistan.
Ngày 26/8, một loạt vụ nổ và đánh bom đã xảy ra ở khu vực gần sân bay Hamid Karzai (Kabul), làm thiệt mạng 13 quân nhân Mỹ, hai công dân Anh và khoảng 90 người Afghanistan, trong đó có 28 thành viên Taliban .
Ngay sau vụ tấn công, IS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm, đồng thời cáo buộc Taliban đang “bắt tay” với Mỹ để sơ tán “gián điệp” ra khỏi Afghanistan.
IS-K nói rằng mục tiêu của vụ tấn công là “những người phiên dịch và cộng tác với quân đội Mỹ”. Nhóm này cũng chủ động đăng ảnh của chiến binh đánh bom liều chết.
Trong động thái đáp trả, Mỹ ngày 28/8 đã dùng máy bay không người lái không kích tiêu diệt một chiến lược gia của IS-K ở tỉnh Nangarhar của Afghanistan. Vụ tấn công không gây thương vong dân sự.
Quá trình phát triển của IS-K
Trong khi IS nhanh chóng giành được chỗ đứng ở Iraq và Syria vào năm 2015, thì IS-K được coi là “thanh kiếm” của nhà nước Hồi giáo tự xưng trong các cuộc “chinh phạt” tương lai ở Nam và Trung Á.
Chỉ huy đầu tiên của nhóm là một người Pakistan tên là Hafiz Saeed Khan. Phó tướng của Khan là Abdul Rauf Aliza - cựu thành viên Taliban và từng là tù nhân ở Guantanamo. Cả Aliza và Khan đã lần lượt bị tiêu diệt bởi các cuộc không kích của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2015 và 2016.
Thủ lĩnh hiện tại của IS-K là Shahab al-Muhajir, người từng là chỉ huy cấp trung của mạng lưới Haqqani, một lực lượng nổi dậy Afghanistan có liên hệ với Taliban.
Đối với IS-K, quan điểm của Taliban là không đủ cứng rắn. Các chiến binh IS-K gọi Taliban là "những kẻ bội đạo" vì sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, IS-K đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan trong suốt năm 2017 và 2018. IS-K cũng có khoảng 250 cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Mỹ, Afghanistan và Pakistan.
Năm ngoái, nhóm này đã nhận trách nhiệm vụ tấn công khu Đại học Kabul, cũng như nã rocket vào Dinh Tổng thống Afghanistan và sân bay quốc tế Hamid Karzai. Nhóm còn bị cáo buộc tấn công trung tâm thai sản của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Kabul.
Hồi tháng Một, các quan chức an ninh Afghanistan đã bắt giữ một số thành viên IS-K âm mưu ám sát Ross Wilson, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Kabul.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng Sáu cho biết IS-K có một nhóm nòng cốt gồm khoảng 1.500 đến 2.200 chiến binh. Nhóm này duy trì liên lạc với IS, và xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.
Taliban cũng từng nhiều lần đụng độ với IS-K trong quá khứ. Trong một số cuộc đối đầu, Mỹ đã ra mặt giúp đỡ Taliban đối phó với IS-K. Sau khi Kabul thất thủ, Taliban được cho là đã hành quyết Abu Omar Khorasani, cựu thủ lĩnh IS ở Nam Á.
Các nước phương Tây lo ngại IS-K sẽ tận dụng thời cơ để trỗi dậy trong bối cảnh Afghanistan đang hỗn loạn vì Mỹ rút quân và Taliban lên tiếp quản chính quyền.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba cảnh báo rằng nhóm đồng minh của IS đang "tìm cách nhắm mục tiêu vào sân bay và tấn công cả lực lượng Mỹ cũng như dân thường vô tội.”
Chính quyền Anh bày tỏ mối quan ngại tương tự, và đã khuyến cáo người sơ tán không nên đến sân bay Hamid Karzai do mối đe dọa từ IS-K.