Ông Ian Dacre, Phó giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc FAO cho biết, các chuyên gia quốc tế nhận định cần ít nhất 4 năm nữa mới có thể điều chế được vắc-xin phòng chống bệnh tả lợn châu Phi.
Đây là thông tin được ông Ian Dacre đưa ra tại buổi làm việc mới đây với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam liên quan đến công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Ian Dacre, đoàn công tác của FAO đã tiến hành đánh giá sơ bộ ban đầu về dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam và ghi nhận các ổ dịch đang tăng lên, nhiều lợn bệnh đang được tiêu hủy.
Đây là loại bệnh chưa có vắc-xin và các chuyên gia quốc tế nhận định cần ít nhất 4 năm nữa mới có thể điều chế được vắc-xin phòng chống lại bệnh này.
Ông Ian Dacre cho biết, có 3 biện pháp chính để phòng dịch, đó là an toàn sinh học, tăng cường nhận thức của công chúng và tiêu hủy các đàn có bệnh.
Hiện nay, ở Việt Nam, dịch bệnh mới chỉ xảy ra tại các trang trại nhỏ lẻ, không phải các trang trại lớn với quy mô lớn hơn 500 con. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh lại gia tăng từ các trang trại nhỏ lẻ này.
Từ đó, đại diện của FAO khuyến nghị Việt Nam cần thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp. Việc kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi phải có thông tin đầy đủ để có thể nắm được cơ chế lây bệnh.
Cụ thể, việc thu thập thông tin về dịch bệnh cần được tiến hành theo chuỗi từ hộ chăn nuôi, xã, huyện, tỉnh để có thể có được bức tranh toàn cảnh chính xác nhất về dịch bệnh. Mặt khác, cần thực hiện công tác đào tạo để các nhân viên thú y có được nhận thức tốt và đồng bộ về các quy tắc an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh. Việc phòng chống dịch bệnh cũng cần có sự tham gia của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 đến 14/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.
Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con, trong đó, đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại Tp Hải Phòng.
Tính đến ngày 12/3/2019, Cục Thú y cũng đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu, trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).