Bức ảnh chấn động
Một người phụ nữ trẻ cố gắng đứng vững trong khi trên lưng phải cõng theo một chiếc túi khổng lồ chứa chăn và nhiều đồ đạc khác; một tay ôm con, tay còn lại cầm một chiếc cặp to, nhìn thẳng về phía trước.
Nếu một bức ảnh có thể khắc họa chính sách của chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực đưa 700 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, thì bức ảnh này chính là lựa chọn phù hợp nhất. Nhiều năm sau khi chụp bức hình, phóng viên - nhiếp ảnh gia Zhou Ke vẫn luôn tìm cách tìm lại người phụ nữ với ý chí kiên cường này.
Được biết, bức ảnh được Zhou Ke chụp ngày 30/1/2010 tại ga tàu Nam Xương, tỉnh Giang Tây giữa đợt "Xuân Vận" - lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc bắt đầu di chuyển từ các thành phố lớn về quê và các vùng nông thôn để đoàn tụ gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán.
Bức ảnh được đặt tên "Con ơi, Mẹ sẽ đưa con về nhà" trở thành một hiện tượng mạng vào thời điểm đó, khiến hàng nghìn người trên khắp Trung Quốc và thế giới phải rơi nước mắt vì sự nghiệt ngã và nỗi khổ mà những người có thu nhập thấp ở Trung Quốc phải chịu đựng. Người mẹ trong ảnh cũng trở thành hình tượng đại diện cho đợt di chuyển lớn nhất thế giới hàng năm.
Theo Tân Hoa xã, những nỗ lực tìm kiếm của phóng viên Zhou đã không có kết quả gì cho đến tháng trước. Người phụ nữ trong ảnh có tên Bamu Yubumu, hiện đã 32 tuổi, là một người dân tộc ở làng Đào Viên, thuộc Nhạc Tây, khu tự trị Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.
Cuộc sống nghèo khổ
Vào thời điểm được chụp ảnh, cô Bamu chuẩn bị chuyến đi dài 2.000km từ Nam Xương - nơi cô làm nhân công sản xuất gạch - tới Nhạc Tây.
"Tôi kiếm được 500 đến 600 nhân dân tệ [77 đến 93 USD] mỗi tháng, tốt hơn nhiều so với việc trồng trọt ở nhà," cô chia sẻ với Tân Hoa xã. Giống như những phụ nữ khác trong làng, Bamu không được học hành và đi làm công nhân nhập cư hoặc thời vụ. Cô buộc phải đi đến bất cứ nơi nào có việc làm để kiếm sống.
Điều đáng buồn nhất là em bé xuất hiện trong hình đã tử vong vài tháng sau khi bức ảnh được chụp.
"Chúng tôi rất vất vả, vì vậy tôi đã phải làm để phụ giúp gia đình", cô nói về công việc kéo dài 5 tháng tại một nhà máy ở Nam Xương. Chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm và trải qua vô số trở ngại.
Vài năm sau khi Bamu trở về nhà, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch xóa đói giảm nghèo cho phép cô và chồng - cũng như những người dân làng khác - trồng cây thuốc lá để thu lợi nhuận. Trước đây gia đình cô chỉ trồng ngô, lúa mì và khoai tây.
Bamu cùng các con mình đi trên con đường mới sửa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ban đầu, thu nhập của họ chỉ dưới 6.000 nhân dân tệ một năm, ở dưới mức nghèo chính thức - hiện khoảng 5.500 nhân dân tệ/người/năm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ liên tục của chính phủ và viện trợ nông nghiệp, người nông dân đã có thể chuyển từ trồng thử nghiệm sang trồng trọt quy mô lớn.
Khi không phải mùa trồng trọt, hai vợ chồng cô Bamu đến Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, để làm việc tại một trang trại hải sâm.
Năm ngoái, tổng thu nhập hàng năm của họ từ trồng thuốc lá và lao động tại trang trại hải sâm đã đạt mức tổng cộng là 100.000 nhân dân tệ (15.400 USD).
Cô Bamu hiện tại đã có cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, kết hợp với tiền tiết kiệm của chính mình, Bamu và gia đình đã xây được ngôi nhà bê tông cốt thép đầu tiên của họ ở làng Taoyuan.Sau 30 năm sống trong căn nhà bằng bùn, cuộc sống của cô Bamu nay đã "sang trang khác".
"Sống trong căn nhà như thế này - không bị dột khi trời mưa và không bị gió rét lùa vào khi trời lạnh - là ước mơ của tôi từ thuở nhỏ," Bamu nói với Tân Hoa Xã.
Căn nhà cũ (trên) và nhà mới của cô Bamu (dưới).
Gia đình Bamu là một trong số hàng nghìn gia đình nghèo khó ở Nhạc Tây đã chuyển đến nhà mới, được sử dụng điện, nước máy, dịch vụ viễn thông và đường xá thuận tiện nhờ những nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong 8 năm qua ở Trung Quốc.
Mọi làng quê ở Trung Quốc nay đều đã có trạm xá. Nếu việc này được thực hiện sớm hơn, cô Bamu có thể đã không mất đi hai đứa con của mình - bao gồm em bé trong bức ảnh.
"Ngày xưa, chỉ có một con đường đất nối ngôi làng của chúng tôi với thế giới bên ngoài. Phương tiện đi lại của chúng tôi là ngựa và xe đẩy. Chúng tôi có chỉ có dịch vụ y tế nghèo nàn. Phụ nữ sinh con tại nhà và trẻ em mắc bệnh không được điều trị kịp thời," Bamu kể.
Bamu là 1 trong những ví dụ về 100 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo trong 10 năm qua. Trong hơn 40 năm qua, hơn 700 triệu Trung Quốc đã không còn phải sống trong đói nghèo.
Bamu nói với Tân Hoa xã rằng cô sẽ không quên những khó khăn và nghèo đói mà họ đã phải chịu đựng dù cuộc sống của cô đã được cải thiện rất nhiều. Bamu nói muốn bốn đứa con của họ tận dụng tối đa cơ hội để học hành - điều mà cô chưa bao giờ có được - và trân trọng từng hạt gạo, bó rau hay miếng thịt mà chúng có.
"Tôi hi vọng con cái tôi sẽ học hành chăm chỉ, có một cuộc đời yên lành. Nếu có gặp khó khăn hay nghèo đói, chúng tôi cũng sẽ dũng cảm đương đầu với nó".