Itochu chi 47 triệu USD mua thêm 10% cổ phần Vinatex, đặt Việt Nam là trung tâm xuất khẩu dệt may sang châu Âu
Quyết định này thể hiện mong muốn đưa đất nước trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may cho thị trường châu Âu trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ Nikkei, nhà kinh doanh Nhật Bản này đã chi khoảng 5 tỷ yên (tương đương 46,9 triệu USD) để nâng cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) lên gần 15%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Bộ Công thương. Giao dịch này giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại doanh nghiệp dệt may dẫn đầu của Việt Nam lên gần 15%. Trước đó Itochu đã sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, sau khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.
Là một tập đoàn thương mại đa ngành trong đó có dệt may, Itochu đã đầu tư vào Việt Nam từ nhiều năm trước để phát triển công nghiệp dệt may. Đầu năm 2017, Itochu đã từng thỏa thuận với Vinatex được ký kết nhằm phát triển chuỗi cung ứng ngành dệt may, từ xơ, sợi, vải đến may, phân phối bán lẻ. Trước đó từ năm 2015, Itochu đã hợp tác với Doximex, một thành viên của Vinatex trong hoạt động dệt-nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu. Thương vụ này dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc hiệu suất cao tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ. Đồng thời, Itochu có thể sản xuất các sản phẩm như đồ thể thao thông qua hợp tác với các nhà sản xuất nguyên liệu.
Cũng theo Nikkei, Itochu đã xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trên 60 tỷ yên mỗi năm, trong đó đến 50% do Vinatex sản xuất. Chưa dừng lại, đối tác ngoại này còn dự kiến tăng con số này lên 100 tỷ yên vào năm 2021. Mục tiêu này được xây dựng trên nền tảng Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu cũng như Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Do đó, nước ta được chọn trở thành một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, nơi chi phí nhân công đang leo thang.
Chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc đang thúc đẩy các công ty may mặc mang sản xuất sang Việt Nam. Nguồn: Nikkei.
Về Vinatex, Tập đoàn hiện đang vận hành khoảng 200 nhà máy may với công suất hơn 300 triệu sản phẩm/năm, bên cạnh các nhà máy sợi và dệt nhuộm. Năm 2017, Tập đoàn đạt doanh thu trên 17 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 714 tỷ đồng.
Khá thầm lặng trên thị trường cho đến phiên giao dịch ngày 26/3, một khoản giao dịch thỏa thuận đột biến khiến mọi chú ý đổ dồn về VGT khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua 50 triệu cổ phiếu. Đồng thời, khối ngoại cũng bán ra 15 triệu cổ phiếu VGT trong ngày hôm đó. Giá trị thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu nói trên đạt 810 tỷ đồng, tương ứng 16.200 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu VGT một năm qua.
Đến ngày 30/3, lộ diện người bán ra đầu tiên là CTCP Đầu tư Phát triển VNTEX – cổ đông lớn của Vinatex - đã bán ra 35 triệu cổ phiếu VGT vào ngay 26/03/2018. Qua đó, giảm khối lượng sở hữu tại đây xuống còn 35 triệu cổ phiếu tương đương 7% nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của công ty.
Được biết, VNTEX tiền thân là Tập đoàn VID Group (Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam) vừa được đổi tên. VNTEX chính thức được thành lập vào 12/07/2006 do ông Bùi Quang Tuấn làm người đại diện theo pháp luật. Trụ sở tại 115, Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là Dịch vụ cho thuê nhà xưởng, văn phòng Kinh doanh bất động sản, nhà ở, văn phòng, kho bãi. Trước đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT của công ty. Gia nhập vào Vinatex cùng với Vingroup trong đợt IPO vào tháng 9/2014, lúc bấy giờ thương vụ trên của VNTEX được giới đầu tư cho là bước đi nhằm hướng đến quỹ đất dồi dào của ông lớn dệt may này. Khi mà Vinatex đang được giao quản lý và sử dụng quỹ đất 490,000 m2, trong đó hơn 16% tỷ trọng tập trung tại thủ đô Hà Nội, tương đương 81,875 m2; tại TPHCM hơn 3,742 m2 và con số tại thành phố Đà Nẵng là 26,955 m2. Ngoài ra, hơn 378,428 m2 còn lại rải rác tại các tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ngãi…