Mô hình ‘New Retail’
‘New retail’ là chiến thuật vĩ đại nhằm định nghĩa lại mô hình bán lẻ hiện nay, xóa mờ ranh giới giữa trực tuyến và đời thực. Mục tiêu lớn nhất của Alibaba là xây dựng được một hệ sinh thái bán lẻ với khách hàng là trọng tâm.
Jack Ma đã dùng hiệu quả của ngày mua sắm 11.11 năm ngoái để làm bằng chứng cho sự thành công của chiến thuật này.
Với khả năng xử lý gấp 18 lần Amazon Prime Day và thị trường lớn gấp 2,5 lần Black Friday và Cyber Monday cộng lại. Mô hình ‘New retail’ không hổ danh là tương lai cho ngành bán lẻ toàn cầu với các "vũ khí" lợi hại sau:
Cửa hiệu thông minh
Những cửa hàng thế hệ mới này có thể tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng bằng các sản phẩm và thương hiệu phù hợp, thông qua:
- Kết nối 24/24 với Alipay, khách hàng chỉ cần quét mã tài khoản của mình để tiến hành mua sắm.
- Công nghệ nhận diện khuôn mặt cho phép khách hàng được nhận khuyến mãi khi đã tìm hiểu trên mạng hoặc đơn giản là cười khi mua sản phẩm.
- Hỗ trợ giao hàng, do thông tin khách hàng đã được lưu sẵn, sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà khách tùy theo nhu cầu của mỗi người.
- Các khuyến mãi và giới thiệu sẽ luôn được cập nhật theo vị trí của khách hàng, kéo thêm nhiều người mua đến cửa hàng hơn.
- Với công nghệ thực tế ảo, khách hàng có thể "thử" từ mỹ phẩm cho đến quần áo ngay lập tức tại cửa hàng.
- Thêm vào đó là một hệ dữ liệu đám mây lưu trữ tất cả thói quen người dùng để cung cấp cho họ trải nghiệm mua sắm tốt nhất.
Cửa hàng tạp hóa Tmall
Alibaba cũng cho ra đời hệ thống LST nhằm giúp các chủ cửa hàng tạp hóa nắm được dữ liệu khách hàng cũng như thói quen mua sắm trong khu vực kinh doanh. Công nghệ này có thể áp dụng trong quản lý bán lẻ, tính toán tồn kho và lên kế hoạch logistics nhằm tối ưu hóa hiệu quả cũng như lợi nhuận.
Vào tháng 8 năm ngoái, Weijun Grocery, một cửa hiệu tạp hóa nhỏ kế bên Đại Học Chiết Giang, Hàng Châu đã gia nhập cộng đồng LST và được chọn là đối tượng thử nghiệm "Tạp hóa Tmall thông minh".
Theo một cuộc khảo sát gần đây với chủ cửa hàng, nhờ công nghệ của Alibaba mà ông đã tăng được 45% doanh thu so với cùng kỳ, cũng như đón nhận hơn 26% lượng khách ghé thăm mua sắm.
Mua sắm kết hợp giải trí
Thương mại điện tử tại Trung Quốc hiện nay đang bị áp đảo bởi số lượng khách hàng trẻ với điện thoại thông minh. Và để phục vụ tối đa thượng đế của mình, mua sắm đã trở thành một "hoạt động giải trí" cực kỳ thú vị.
Chẳng hạn như chương trình biểu diễn thời trang "See Now, Buy Now" với các nhãn hàng như MAC, Guerlain, Pandora, TAG Heuer và Rimowa tham gia. Trong suốt buổi diễn, khách hàng có thể nhanh chóng mua các sản phẩm mà mình đang được chiêm ngưỡng chỉ qua một động tác.
Hệ thống này còn có một "phòng thử đồ" thực tế ảo, khách hàng chỉ cần upload hình đại diện, cung cấp chiều cao và cân nặng là có thể dễ dàng chiêm ngưỡng hình dáng của mình trong sản phẩm định mua.
Xóa mờ ranh giới giữa người mua và người đại diện thương hiệu
Rất nhiều thương hiệu cũng như cửa hàng thường xuyên khuyến mãi cho khách hàng qua nhiều hình thức khác nhau sau khi họ "khoe" chiến tích mua sắm của mình trên mạng xã hội.
Chẳng hạn như ở một cửa hàng thời trang trong ngày lễ độc thân, sau khi mua sản phẩm, khách hàng sẽ được hỗ trợ trang điểm và chụp hình chuyên nghiệp một cách miễn phí và nhanh chóng. Khách hàng còn nhận được thêm chiết khấu khi đăng hình ảnh này trên mạng.
Và từ đó, người mua đã nhanh chóng trở thành một người quảng bá thương hiệu cho mô hình bán lẻ của tương lai.
Và vũ khí lợi hại nhất – Đại siêu thị HEMA
Hiện Alibaba đang sở hữu 25 siêu thị HEMA và dự kiến sẽ mở thêm hàng chục siêu thị mỗi năm. Nổi bật với hệ thống nhà hàng hải sản tươi sống, thực khách có thể tự tay chọn đồ ăn của mình.
HEMA còn cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí trong 30 phút đối với khách hàng mua sắm trực tuyến. Mỗi sản phẩm trong siêu thị đều có mã vạch để khách hàng có thể nhanh chóng tra cứu nguồn gốc, đánh giá cũng như tỷ lệ dưỡng chất.
Và tất nhiên là HEMA sẽ tích hợp cho việc thanh toán bằng Alipay, khách hàng chỉ việc quét mã sản phẩm và tiếp tục vui chơi trong siêu thị vì sẽ có người giao hàng tới tận nhà.
HEMA của Alibaba khác gì so với các siêu thị thông thường? Thứ nhất là sự an tâm mà các siêu thị này của Jack Ma đem lại. Trung Quốc là một trong những nước có niềm tin thương mại được đánh giá là rất kém, đặc biệt đối với thực phẩm.
Nỗi sợ này lên tới đỉnh điểm khi vụ việc sữa nhiễm bẩn đã khiến 8 trẻ em và hàng trăm người lớn phải nhập viện vào năm 2008. Bậc cha mẹ Trung Quốc hiện đang sẵn lòng trả tiền gấp 3 lần để mua các sản phẩm sữa bột nhập khẩu. Và vì thế, sự xuất hiện của HEMA như một "đấng cứu tinh", mã QR luôn thể hiện đầy đủ các thông tin xuất xứ của sản phẩm, khiến người dùng an tâm mua sắm và sử dụng.
Hơn thế nữa, tất cả các nhu cầu mua sắm tại HEMA đều ưu tiên tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Thay vì phải chất đống hàng vào xe và đẩy khắp nơi để chọn lựa, sau đó lại còn chờ mỏi cổ để được thanh toán. Khách hàng ngày nay chỉ cần "cưỡi ngựa xem hoa", với chiếc điện thoại của mình, họ chỉ cần đi 1 vòng lựa chọn và mua sắm sản phẩm bằng mắt, sau đó sẽ có người giao hàng đến tận nhà.
Và cuối cùng, HEMA cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm "khám phá" bản thân. Kết hợp giữa thế giới thông tin trực tuyến và sản phẩm thực tế, người mua hàng được ngay lập tức cung cấp đầy đủ các bí quyết mua sắm để đem lại "hiệu quả" cao nhất.
Ở một nước mà nhu cầu "khoe" trên mạng xã hội cực cao, việc vừa mua sắm vừa chia sẻ đã trở thành một trải nghiệm thú vị mà bao nhiêu người mua thích thú.
Không ngừng tấn công trên cả 2 mảng online và offline, Jack Ma và New Retail đang là minh chứng cho một nền kinh tế tương lai, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.