Những ngày qua, cộng đồng mạng và hàng triệu khán giả truyền hình cả nước đã "náo loạn" trước câu chuyện tự lập kinh doanh của bé Bống - Bảo Ngọc (học sinh lớp 5, đến từ Tuyên Quang). Dù mới chỉ 10 tuổi nhưng bé Bống đã có 3 năm "thâm niên" kinh doanh chè bưởi, tự kiếm tiền mua quần áo, giày dép, iphone, laptop, trong ví lúc nào cũng có khoảng 1 triệu đồng...
Điều vô cùng ấn tượng trong câu chuyện tự lập kinh doanh của cô bé này là bé luôn có kế hoạch quản lý tiền bạc vô cùng khoa học. Bé Bống chia sẻ: "Dù kiếm được ít hay nhiều, dù chỉ 100 nghìn đồng hay bao nhiêu chăng nữa cháu vẫn chia tiền thành 6 ví. 50% là dành cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, 10% cho giáo dục đào tạo (cháu có thể tự trả tiền học thêm trên mạng, học tập), 10% tự do tài chính, 10% giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, 10% tiết kiệm dài hạn".
Bé Bống - "thần đồng" kinh doanh 10 tuổi trong chương trình "Mặt trời bé con".
Chị Dương Thanh Thúy - mẹ bé Bống chia sẻ vợ chồng chị cho con kinh doanh, tự do tài chính từ nhỏ với mong muốn con hiểu, chia sẻ với bố mẹ sự cần thiết của việc "mỗi người cần nỗ lực học tập, làm việc để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thêm thu nhập cho bản thân, có thể giúp đỡ một phần nhỏ cho người khác....".
Ngoài ra, vợ chồng chị cũng muốn tạo động lực để bé Bống hiểu được "việc kiếm tiền là quan trọng nhưng việc tiêu tiền cũng quan trọng không kém. Và hơn cả là con thấy được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống".
Bống tự tay nấu chè bưởi và thường bán vào cuối tuần.
6 chiếc ví để quản lý tiền của bé Bống.
Có thể thấy cách chia tiền thành 6 chiếc ví của bé Bống được bố mẹ dạy chính là phương pháp quản lý tài chính JARS bằng 6 chiếc lọ - một công thức quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng khắp thế giới từ hàng trăm năm nay đã được những người thành công áp dụng. Phương pháp này do T. Harv Eker đề cập đến trong cuốn sách bán chạy Secrets of the Millionaire Mind" (tạm dịch: "Bí mật tư duy triệu phú"). 6 chiếc lọ bao gồm:
Bố mẹ bé Bống để cho con gái tự kinh doanh từ nhỏ với mong muốn con sẽ học được cách kiếm tiền và quản lý tiền bạc.
- Chiếc lọ giáo dục đào tạo: Có thể dùng quỹ này vào việc mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo hay chi trả tiền học thêm như bé Bống đã làm.
- Chiếc lọ tiết kiệm dài hạn: Hướng dẫn trẻ cách sử dụng quỹ tiết kiệm cho những mục tiêu lâu dài và thực hiện những ước mơ của con. Trong trường hợp của bé Bống, bé chia sẻ đang tiết kiệm tiền để mua ipad Air 2 phục vụ cho việc học tiếng Anh.
- Chiếc lọ kưởng thụ: Giải thích cho trẻ cách sử dụng quỹ này để làm tất cả những việc trẻ từng khao khát như đến một nơi muốn đến.
- Chiếc lọ cho đi: Quỹ cho đi giúp trẻ thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Hãy dùng quỹ này để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, gia đình và bạn bè hay người có hoàn cảnh khó khăn như cách mà bé Bống vẫn làm đó là chăm chỉ đi từ thiện.
6 chiếc lọ - một công thức quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng khắp thế giới từ hàng trăm năm nay (Ảnh minh họa).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quản lý tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống. Khi đã biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Đó cũng là lý do vì sao trẻ em Do Thái luôn được cha mẹ dạy cách quản lý tiền bạc từ rất sớm, chỉ từ ba hoặc bốn tuổi. Mục đích của cha mẹ Do Thái khi dạy con kỹ năng quản lý tiền bạc không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của mà đối với cha mẹ Do Thái đó được xem là cách giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách.
Nguyên tắc cha mẹ Do Thái dạy con cũng tương tự như phương pháp quản lý tài chính JARS của T.Harv Eker. Cụ thể, dể dạy con quản lý tiền bạc khôn ngoan, cha mẹ người Do Thái sẽ sử dụng 5 chiếc lọ, mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng góp xã hội.
Một ngày, mỗi trẻ em Do Thái được cho 10 Shekels (tiền Israel), đứa trẻ sẽ bỏ 1 Shekel vào lọ đóng góp xã hội, 2 shakels vào 2 lọ từ thiện và tiết kiệm, 2 shakels vào lọ đầu tư và cuối cùng là trong tay chỉ có 5 shakels để chi dùng. Sau đó, trẻ sẽ mở lọ từ thiện vào mỗi sáng chủ nhật, trong khi lọ đóng góp xã hội chỉ được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm sẽ được mở trong những trường hợp đặc biệt như khi trong gia đình xảy ra chuyện, có người bị đau bệnh. Còn lọ đầu tư thì chỉ được mở ra khi nó đã đầy tiền.
Cha mẹ Do Thái cho tiền con để dạy con quản lý tiền bạc từ nhỏ (Ảnh minh họa).
Với số tiền chi dùng, cha mẹ Do Thái để trẻ phải tính toán cái gì cần mua, cái gì cần tiết kiệm, vì nếu sử dụng hoang phí thì trẻ sẽ không còn tiền để dùng. Cha mẹ Do Thái hoàn toàn không can thiệp ngay cả khi trẻ đang có một quyết định sai lầm. Bằng cách này, trẻ em Do Thái sẽ trở nên chín chắn hơn trong quá trình đưa ra quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Quản lý tiền bạc bằng những chiếc lọ, chiếc ví, hay tài khoản ngân hàng, két sắt... không quan trọng. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ phát triển nó thành thói quen. Vì vậy, nếu muốn con mình sau này biết sống tiết kiệm, có nguyên tắc, có trách nhiệm, biết quản lý tài chính để đảm bảo cuộc sống tương lai thì hãy bắt tay vào dạy con về tiền và cách sử dụng tiền ngay từ nhỏ. Đây là một trong những khoản đầu tư tốt nhất và thu lại "lợi nhuận" cao nhất mà cha mẹ có thể làm cho con của mình.