Vị Chủ tịch FED từng chống lại Tổng thống
Powell sinh ngày 04/02/1953 tại Washington, D.C. Ông tốt nghiệp cử nhân chính trị học của Đại học Princeton năm 1975. Bốn năm sau, ông lấy bằng tiến sĩ luật.
Từ năm 1990 đến 1993, Powell làm việc tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Tháng 12/2011, Powell được Tổng thống Barack Obama đề cử vào Hội đồng Thống đốc Dự trữ Liên bang.
Trước đại dịch, sau khi được cựu Tổng thống Donald Trump "thay ngựa giữa dòng", ông Jerome Powell đã chính thức thế chỗ bà Janet Yellen giữ chức Chủ tịch thứ 16 của FED.
Có thể nói, Jerome Powell giữ chiếc ghế nóng của FED trong lúc ông này chưa từng kinh qua sự đào tạo chính quy nào về kinh tài. Đây là trường hợp lịch sử trong công tác bổ nhiệm Chủ tịch FED ở Mỹ. Trường hợp tương tự, nhưng chỉ không có bằng Tiến sĩ Kinh tế thuộc về Alan Greenspan (bổ nhiệm năm 1987).
Giai đoạn điều hành của Jerome Powell suốt từ 2018 - nay từng nhận được sự tán thưởng của lưỡng đảng vì áp dụng các biện pháp kích thích tiền tệ ở mức độ cao để nâng cao hơn nữa giá tài sản và hỗ trợ tăng trưởng, giúp nền kinh tế Mỹ chống chọi tốt với đại dịch Covid-19.
Khi kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm tốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước tiếp tục leo thang, cùng tỉ lệ lạm phát đang ở mức quá thấp đầu năm 2019, FED nhanh chóng đảo ngược chính sách và bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tờ Time cho biết quy mô và cách thức hành động của Powell đã "thay đổi Fed mãi mãi". Học thuyết Powell mới (The new Powell dotrine) thực chất là chính sách tiền tệ nới lỏng, ngân sách chính phủ đổ vào các tài sản (chứng khoán, trái phiếu...) để tạo ra dòng vốn cho thị trường, kích cầu lao động từ phía doanh nghiệp, giúp hạ nhiệt lãi suất cho vay.
Chính sách của ông bắt đầu giúp tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất lịch sử mà không gây ra lạm phát (toàn dụng lao động).
Đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế đột ngột chững lại vào tháng 3/2020, chứng khoán lao dốc. Ông Powell đã nhanh chóng thiết kế một cuộc giải cứu lớn, cắt giảm lãi suất xuống 0% và mua nhiều loại tài sản, không chỉ trái phiếu doanh nghiệp. Trong vòng ba tháng, tài sản nắm giữ của FED đã tăng thêm 3.000 tỉ USD.
Suốt giai đoạn đại dịch COVID-19, Powell đã ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường tài chính bằng những biện pháp can thiệp nhanh chóng, một số trong số đó chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn như sự bảo lãnh ngầm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Vì liên tục bơm tiền ra thị trường mua tài sản, tài sản của FED đã tăng gần gấp đôi kể từ khi chính sách bắt đầu vào tháng 3/2020. Theo báo cáo mới công bố của FED, quy mô bảng cân đối kế toán đã tăng lần đầu tiên lên mốc 8.300 tỷ USD.
Mặc dù là người cùng đảng, cựu Tổng thống Trump luôn chống lại việc tăng lãi suất. Powell vẫn kiên trì chính sách của FED và tuyên bố tổng thống không có quyền can thiệp vào nghiệp vụ của FED, trừ khi sa thải ông.
Dự trữ FED đạt 8.300 tỉ USD
Tranh cãi về học thuyết mới của Powell
Đến tháng 8/2020, FED mới điều chỉnh mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, khi đó lạm phát đã tăng lên 4% so với cùng kỳ 2019.
FED vẫn kiên trì bơm ra 120 tỷ đô la/tháng theo gói nới lỏng định lượng (QE). Powell đã thực hiện một canh bạc táo bạo khi vẫn giữ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng ngay cả khi lạm phát tăng cao.
Nhiều nhà kinh tế, chuyên gia, quản lý cấp cao và cả chính trị gia đồng loạt lên tiếng chỉ trích Powell, đồng thời bi quan về sự sụp đổ của thị trường sẽ là một tương lai không xa và sẽ lan truyền khắp nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế khác và các cựu lãnh đạo của FED lại ủng hộ cách tiếp cận của ông Powell. Dù Covid-19 là một thử thách lớn cũng không có khả năng thách thức cấu trúc lâu đời của nền tài chính. Phần lớn sự gia tăng lạm phát gần đây chỉ xuất phát từ các yếu tố không bền vững, điển hình như sự đình trệ của các chuỗi cung ứng do các lệnh giãn cách.
Alan Levenson của T. Rowe Price, một nhà quản lý tài sản cho biết: "Họ (FED) muốn thấy lạm phát tăng lên và họ có các công cụ để giải quyết nó". Theo dự báo hiện tại, lãi suất của FED là lạm phát sẽ quay trở lại khoảng 2% trong năm tới.
Những người đối lập luôn cáo buộc ông Powell đang phá bỏ các quy tắc nhằm làm cho hệ thống tài chính an toàn hơn và muốn ông cứng rắn hơn với các ngân hàng, nhất là khu vực Phố Wall.
Những người bảo vệ ông Powell nói rằng một đánh giá như vậy là không công bằng. FED đã thực hiện rất nghiêm khắc và rạch ròi trong các nguyên tắc của chính sách tiền tệ trước đó. Vào tháng 3/2021, FED đã từ chối yêu cầu của các ngân hàng về việc gia hạn việc miễn giới hạn trần tín dụng, vốn đã giúp họ trong giai đoạn suy thoái năm ngoái.