Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chỉ hơn 1/3 (tương đương với 36,1%) doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Malaysia bày tỏ ý định tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây trong vòng 1-2 năm tới. Trong đó, các lĩnh vực chủ yếu được tiếp tục đầu tư là thực phẩm, thiết bị y tế và vận tải.
JETRO thông tin, cuộc khảo sát này được thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng hoạt động tại Malaysia giảm ít nhất (giảm 6,7%) trong số sáu quốc gia ASEAN tham gia khảo sát.
Theo JETRO, thực phẩm, thiết bị y tế chính xác và vận tải là những lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định tiếp tục mở rộng đầu tư cao nhất, vượt trên 60%. Còn lĩnh vực điện và điện tử, ngành công nghiệp chính ở Malaysia, có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động ở mức 38,3%, cao hơn mức trung bình chung của quốc gia này.
Ngoài ra, khảo sát của JETRO cho thấy tại Malaysia, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như chi phí giới thiệu cao và thiếu nhân tài thông thạo công nghệ kỹ thuật số.
Cũng theo khảo sát, gần 47% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Các chức năng sẽ được mở rộng bao gồm: sản xuất hàng hóa thông dụng, hàng hóa có giá trị cao bán hàng, kho vận và nghiên cứu; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác.
Bên cạnh đó, có 16,4% doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới. Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư gần đây không chỉ là công nghiệp chế tạo, chế biến mà còn có cả chuyển đổi số, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao...
Nhìn chung, hầu hết các công ty Nhật Bản tại ASEAN dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ bình thường hóa vào nửa cuối năm 2021 sau Covid-19. Đặc biệt, trong số 6 quốc gia ASEAN thì Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia được đánh giá là các quốc gia "định hướng xuất khẩu", trong khi Indonesia và Thái Lan là các nước có "định hướng nhu cầu trong nước". Hơn 20% công ty Nhật Bản tại Việt Nam và Philippines đã xuất khẩu toàn bộ hàng hoá.
Liên quan đến tỷ lệ sáp nhập, cuộc khảo sát nêu rõ, trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này tại Singapore và Malaysia tương đối cao. Tại Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan, gần 50% thoả thuận sáp nhập đến từ các công ty trong nước.