Sau 5 năm triển khai, Dự án Thành lập hệ thống ngân hàng gien đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học (Satreps) đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Đây là chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững, được đồng tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST).
Tài nguyên bản địa phong phú
Theo GS. Kazuhiro Kikuchi, Việt Nam có sự đa dạng về tài nguyên lợn bản địa nhưng lại chưa được khai thác.
Xin ông cho biết khái quát về Dự án?
Rất nhiều người ngạc nhiên khi biết Việt Nam có tới 26 giống lợn bản địa. Tuy nhiên, một số giống trong số này đã bị tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng trong quá trình ngành chăn nuôi tìm cách nâng cao hiệu quả để phát triển kinh tế. Mỗi loại giống đều có những đặc tính và đặc điểm di truyền riêng. Các đặc tính và đặc điểm di truyền này không thể khôi phục lại một khi bị mất đi.
Nhận thức được nguy cơ mất đi các nguồn tài nguyên lợn bản địa, năm 2015, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã thảo luận và thực hiện các hoạt động chung trong khuôn khổ dự án Satreps.
Ông đánh giá thế nào về tài nguyên lợn bản địa Việt Nam?
Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên lợn bản địa. Ở Nhật Bản chỉ có 1 và ở Philippines chỉ có vài giống. Ở cả 2 nước này, ngành kinh doanh thịt lợn thương hiệu đã được hình thành và phát triển. Tuy Việt Nam có sự đa dạng phong phú về tài nguyên nhưng lại chưa được khai thác.
Lợn bản địa Việt Nam chịu được điều kiện chăn nuôi kém nhưng thịt thì lại rất ngon. Điều này rất quan trọng về mặt thực phẩm, vì nó làm tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt lợn bản địa.
Thứ hai, nhiều giống lợn bản địa của Việt Nam có kích thước nhỏ (trọng lượng chỉ 40-50kg). Nghĩa là chúng có thể được dùng phục vụ mục đích y học và tạo ra nhu cầu tiềm năng thương mại trong tương lai.
Còn nhiều việc phải làm
Kết quả của dự án?
Dự án đã thực hiện khảo sát lợn bản địa Việt Nam tại 22 tỉnh và thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các nhận dạng, phân loại, đặc tính. Dự án đã thực hiện bảo quản lạnh tinh trùng của các giống được chọn và thiết lập một hệ thống ngân hàng tinh trùng đông lạnh.
Một số giống lợn bản địa đã bị tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng trong quá trình ngành chăn nuôi tìm cách nâng cao hiệu quả để phát triển kinh tế.
Dự án cũng thực hiện nhiều nghiên cứu để sản xuất phôi trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển nhân tế bào soma, và cấy chuyển phôi và hợp tử.
Các công nghệ cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, cải thiện việc nuôi và quản lý chăn nuôi đã được phổ biến cho người chăn nuôi lợn bản địa ở tỉnh Hòa Bình nhằm tăng năng suất lợn bản địa.
Dịch tả lợn châu Phi thời gian qua có gây khó khăn gì cho Dự án?
Chúng tôi đã cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch bệnh. Một số hoạt động theo kế hoạch đã phải hủy bỏ.
Tuy nhiên, các hoạt động chăn nuôi tại Trung tâm Nghiên Cứu và phát triển chăn nuôi miền núi Thái Nguyên không bị ảnh hưởng do có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát. Điều này đã cho chúng tôi niềm tin rằng có thể ngăn chặn được DTLCP nếu thực hiện các biện pháp kịp thời và hiệu quả.
Việc tìm kiếm và chăn nuôi giống lợn không bị nhiễm virus có ý nghĩa thế nào?
Sự lây lan của DTLCP cho chúng ta một thông điệp quan trọng về bảo tồn nguồn gien, vì một khi nguồn gien bị mất đi do các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, không có cách nào phục hồi được.
Có tiềm năng để tìm thấy những con lợn có tính kháng bệnh cao trong nguồn tài nguyên di truyền phong phú ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, cá thể hoặc nhóm cá thể như vậy vẫn chưa được chứng minh. Việc tiếp tục khảo sát và nghiên cứu là cần thiết.
Từ giờ trở đi, phía Việt Nam sẽ phải tiếp tục một mình. Tôi hy vọng rằng các đối tác Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để bảo tồn nguồn gien và chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo tồn với những nhà nghiên cứu bên ngoài. Điều quan trọng là áp dụng những gì đã biết để bảo tồn và tiếp tục.
Xin cảm ơn ông!