Các nhận định được ông Shimizu Akira, trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, nêu ra trong cuộc họp báo chiều 12-10 tại Hà Nội.
Cuộc họp báo nhằm sơ kết những gì JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong nửa đầu năm tài khóa 2022 và các dự án sẽ triển khai trong nửa năm tài khóa còn lại (kết thúc vào tháng 3-2023).
Tại họp báo, ngoài các con số về số dự án và số tiền đã hỗ trợ, trưởng đại diện JICA Việt Nam nhắc đến vấn đề ODA và nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan việc giải ngân nguồn vốn, đội vốn và chi phí tư vấn chiếm phần lớn chi phí dự án ODA.
Theo ông Akira, trong bốn năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16 - 20% so với trước đây.
"Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", ông Akira đặt vấn đề.
Theo đại diện JICA Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể xem các khoản vay ODA như công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng. Một trong các điểm lợi là những khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn 30 - 40 năm, có lãi suất thấp và cố định.
Một ưu điểm khác, theo ông Akira, Việt Nam có thể tận dụng chuyển giao công nghệ nước ngoài trong các dự án vốn vay ODA phát triển cơ sở hạ tầng. Lý do, trong suốt thời gian triển khai dự án luôn có sự tham gia của các công ty Việt Nam nên Việt Nam có thể học hỏi không chỉ công nghệ mà còn kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý bảo trì.
Đại diện JICA Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí sau họp báo chiều 12-10 - Ảnh: JICA Việt Nam
Khi được hỏi vì sao các dự án dùng vốn ODA luôn có chi phí tư vấn chiếm phần lớn, đại diện JICA khẳng định không có dự án nào mà tiền cho tư vấn viên và công ty tư vấn chiếm phần lớn trong tổng chi phí dự án.
Cũng theo ông Akira, việc các dự án bị đội chi phí có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Chính phủ Việt Nam chậm trễ trong việc phê duyệt các thủ tục.
"Việc giải ngân vốn vay được tiến hành dựa theo đề nghị của phía Việt Nam theo từng lần và phụ thuộc vào thủ tục phía Việt Nam. JICA rất mong được hợp tác với các cơ quan hữu quan Việt Nam để giải quyết việc chậm trễ trong giải ngân do sự khác biệt về thủ tục giữa hai nước", đại diện JICA trả lời.
Ngoài cơ sở hạ tầng, ông Akira cho rằng Việt Nam cũng cần tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao và tăng năng suất lao động để đối phó với tình trạng già hóa dân số.
Liên quan sự chậm trễ tại dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1, đại diện JICA cho biết toàn bộ 51 toa tàu cho tuyến này đã được chuyển sang Việt Nam và toàn bộ tuyến hiện đã hoàn thành hơn 90%.
JICA cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan hữu quan Việt Nam để giải quyết từng vấn đề, đảm bảo tàu sẽ lăn bánh trong thời gian sớm nhất.