Theo JLL Việt Nam, lượng mở bán căn hộ tại TPHCM trong quý II/2018 đạt 6.947 căn, giảm 19% theo quý và 49% theo năm.
Đánh giá về nhu cầu thị trường, JLL cho biết nhu cầu về phân khúc căn hộ bình dân vẫn tiếp tục tăng cao. Lượng bán đạt 7.374 căn, giảm 9,4%% theo năm, do nguồn cung mới khá hạn chế. Trong đó, 70% lượng bán đến từ phân khúc bình dân, tập trung ở Quận 8, huyện Bình Chánh với mức giá từ 1.000-1.200 USD/m2.
Về giá bán, trên thị trường sơ cấp, giá tiếp tục tăng mỗi quý trên toàn thị trường, trong đó phân khúc bình dân ghi nhận mức tăng đáng kể nhất, khoảng 2,6%. Trên thị trường thứ cấp, giá căn hộ tiếp tục tăng ở mức 1,7% theo quý trong quý II/2018, trong khi mức tăng trung bình hàng quý giai đoạn 2017- quý II/2018 chỉ khoảng 0,5% .
Đối với phân khúc Biệt thự/Nhà phố, nguồn cung mới đạt 1.550 căn, 73% trong đó là sản phẩm nhà phố. Đáng chú ý, 77% tổng nhà phố đang được giao dịch ở mức giá từ 350.000 đến 555.000 USD/căn.
Giá bán Biệt thự/Nhà phố cũng tăng trong quý này, tương ứng với nhu cầu mạnh mẽ đến từ cả mục đích mua để ở và đầu tư. Giá bán Biệt thự/Nhà phố tiếp tục xu hướng tăng, khoảng 3,2% theo quý trên toàn thị trường.
JLL Việt Nam dự báo nguồn cung tương lai dồi dào, tập trung ở phân khúc giá thấp. Trong 2 quý cuối năm 2018, thị trường căn hộ kỳ vọng chào đón thêm hơn 24.000 căn, phần lớn đến từ phân khúc bình dân và Trung cấp. Khoảng 1.900 căn biệt thự/nhà phố được mong đợi chào bán vào 2 quý cuối năm 2018, thị trường tiếp tục mở rộng ở Quận 9, 2 và Gò Vấp.
Đặc biệt, nhu cầu mua để ở và đầu tư đang khá tương đồng, tuy nhiên tâm lý đầu tư ở thị trường căn hộ cao cấp đang hạ nhiệt do áp lực nguồn cung dồi dào.
Theo báo cáo của JLL, FDI của Việt Nam tiếp tục đạt được kỷ lục mới. Tính đến tháng 6/2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, có 1.366 dự án đăng ký mới trị giá 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017. FDI giải ngân đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4%. Tính theo 17 ngành đầu tư, lĩnh vực chế biến và sản xuất tiếp tục dẫn đầu, thu hút 7,91 tỷ USD và chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực bất động sản và bán lẻ đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba tương ứng 5,54 tỷ USD và 1,5 tỷ USD. Về mặt chủ đầu tư, Nhật Bản dẫn đầu với 6,47 tỷ USD và đạt 31,8% vốn FDI, Hàn Quốc đứng thứ hai với 5,08 tỷ USD và Singapore vị trí thứ ba với 2,39 tỷ USD.
Các dự án đáng chú ý bao gồm Thành phố thông minh với tổng vốn đầu tư 4.138 tỷ USD tại Hà Nội của nhà đầu tư Nhật Bản, dự án nhà máy sản xuất polypropylene do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng số vốn 1.201 tỷ USD tại BR-VT. Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore tại Thừa Thiên Huế....