Những năm gần đây, trên thị trường khởi nghiệp Việt Nam, không hiếm để chúng ta bắt gặp những founder Việt Kiều, chọn quay trở về quê cha đất tổ để khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu soi kỹ, hẳn ít founder có được background giàu thành tích như anh John Lê – Founder của startup Propzy.
Khi còn ở Mỹ, những năm đầu sự nghiệp, anh John Lê kinh qua nhiều vị trí trong ngành tài chính - thị trường vốn của ContiFinancial và JP Morgan Chase. Từ năm 1998 – 2008, anh John Lê từng sáng lập các công ty khởi nghiệp Dotcom (LoanTrader), phần mềm doanh nghiệp (Portellus) và Quỹ đầu tư Mozaik hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính.
Cuối thập niên 90, John Lê đã quyết định thành lập LoanTrader, thị trường thế chấp trên internet. LoanTrader huy động hơn 38 triệu USD, nguồn vốn tư nhân lớn nhất ở Nam California cho một công ty công nghệ tài chính cho đến thời điểm đó, với những công ty cổ phiếu hàng đầu như Goldman Sachs, IAC, GE Capital, CitiGroup, Capital Z (Zurich), FBR Capital and OMERS. Cuối cùng, công ty được mua lại bởi Fidelity (NYSE: FIS).
Một năm sau, anh startup lần nữa, sáng lập Portellus hoạt động trong lĩnh vực fintech. John Lê đã phát triển Portellus từ 5 thành viên thành một công ty với hơn 300 nhân viên, mở rộng khắp 3 châu lục với các khách hàng như Morgan Stanley, JP Morgan Chase, Lehman Bros, Bear Stearns, Fiserv, Deutsche Bank, và Discover Financial. Portellus được thu mua bởi Fiserv năm 2007.
Sau đó, John và Mozaik cùng đầu tư thành lập TransUnion Vietnam trong năm 2009. TransUnion Vietnam là công ty thông tin tín dụng quốc tế tư nhân đầu tiên trên thị trường Việt Nam.
Sau nhiều lần về Việt Nam, năm 2015, John Lê quyết định thành lập Propzy – chuyên về proptech – nhằm góp phần chuẩn hóa quy trình giao dịch bất động sản tại Việt Nam. Tính đến năm 2020, John Lê đã gọi vốn thành công 37 triệu đô đầu tư vào Propzy. Đây là số vốn cao nhất Việt Nam trong lĩnh vực Proptech từ các quỹ đầu tư: Gaw Capital Partners, SoftBank Ventures Asia, DTNI, Stonebridge…
Hơn 5 năm thành lập và phát triển, Propzy sở hữu 30 trung tâm giao dịch phủ sóng toàn TP. HCM cùng với đội ngũ nhân sự gần 700 người và kho dữ liệu hơn 50 ngàn căn hộ/ nhà phố sẵn sàng giao dịch, phục vụ khách hàng.
Với tư duy và tầm nhìn của một doanh nhân chuyên nghiệp đến từ Mỹ, cuộc chơi Propzy đối với founder John Lê chẳng có gì gọi là mơ mộng hoặc lý tưởng cao siêu mà vô cùng thực tế đến ‘thực dụng'.
Dù thị trường bất động sản còn khá sơ khai và Propzy cũng đang có những bước chập chững đầu tiên trên thị trường, song điều đó không ngăn được John Lê đặt những mục tiêu rất cao và rất xa cho startup này: mang tới cho người mua/người bán dịch vụ 5 sao và có thể phục vụ cả vòng đời mua bán hoặc vay tiêu dùng dựa trên bất động sản cho tất cả người dân Việt Nam.
ĐÚNG THỜI ĐIỂM, ĐÚNG LÚC VÀ ĐÚNG KẾ HOẠCH
Covid-19 đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Propzy như thế nào, thưa anh?
Covid-19 thực tế không ảnh hưởng tới Propzy nhiều. Tất nhiên, kế hoạch phát triển của Propzy cũng có chút phát triển chậm lại, còn về hoạt động kinh doanh hàng ngày vẫn tốt. Dựa trên 3 quý vừa qua, chúng tôi thấy nhu cầu mua bán trên thị trường vẫn tăng, bằng chứng là số lượng giao dịch trên Propzy đã tăng gấp 4 đến 5 lần so với năm 2019. Thế nên, với Propzy, Covid-19 là cơ hội phát triển rất tốt.
Hiện tại, các nhà phát triển bất động sản hay chủ đầu tư mới bị ảnh hưởng nặng nề nhất, còn Propzy đi ngược hướng. Khi được tôi chia sẻ, các quỹ/nhà đầu tư của Propzy cũng thấy được điều đó. Chứ thực tế, tầm nhìn của các quỹ đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trải nghiệm của họ chỉ ở thị trường sơ cấp. Vậy nên, chỉ khi tôi ngồi xuống và trình bày cho họ sâu và xa về thị trường thứ cấp, thì họ mới nắm bắt được cơ hội. Nếu không nói cho họ hiểu, thì không thế huy động được vài chục triệu USD trong thị trường vào mùa dịch này.
Phải chăng, Propzy chính là một trang rao vặt buôn bán nhà đất được số hóa một lần nữa?
Các mô hình quảng cáo mà chị nói không có vấn đề với tôi hoặc thị trường, vì nó cũng mang một giá trị nhất định và đã từng thành công trên toàn cầu. Khi chúng ta đi nước nào, cũng sẽ thấy có những trang mua bán nhà đất. Đó là chuyện quá bình thường!
Mặc dù người tiêu dùng Việt đã có một website như vậy để vào mua hoặc bán sản phẩm bất động sản một cách trực tiếp hoặc qua các ‘cò’; tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu của họ ngày càng cao, họ không thỏa mãn với những dịch vụ mà những website sơ khai như vậy cung cấp. Với Propzy, đó vừa là thách thức mà vừa là cơ hội. Vì thế, chúng tôi muốn xây một công cụ ở đây, để người nhân viên sale của Propzy có thể hỗ trợ tốt nhất khách hàng, từ việc đi kiếm bất động sản và đến lúc kết thúc deal luôn. Giúp các giao dịch thành công tốt nhất và nhanh nhất!
Anh John Lê – Founder của startup Propzy
Tôi về Việt năm 2015, trong 2 năm đầu tiên, chúng tôi chỉ tập trung vào đầu tư công nghệ và nền tảng, sau đó mới bắt đầu triển khai vào thực tế. Khi triển khai phải đi từ từ, tôi hay nói là ‘đo 2 lần cắt 1 lần’. Đầu tiên, mình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực để làm sao công ty hoạt động mượt mà nhất với công nghệ và nền tảng mình xây lên.
Sau 2017, chúng tôi bắt đầu từ từ triển khai ra thị trường và liên tục chỉnh sửa hệ thống của Propzy, chỉnh quy trình để làm sao Propzy có thể tiếp cận chính xác người có nhu cầu. Sau 2017, khi phần nào hiểu được thị trường đang vận hành như thế nào, bắt đầu 2018 thì bắt đầu huy động vốn vòng tiền Serie A với các nhà đầu tư, 3 triệu USD với 1 quỹ bên Singapore.
Từ lúc đó, mô hình kinh doanh kết hợp online – offline đã khá chuẩn. Bước tiếp theo, bắt đầu tấn công thị trường mạnh mẽ và cứ vậy mà phát triển.
Không ít startup được khuyến khích làm theo vòng lặp: ra sản phẩm/dịch vụ nhanh – sai nhanh – sửa nhanh và sau vài lần sai nhanh – sửa nhanh sẽ thành công, kịp dẫn dắt thị trường. Tại sao anh lại đi ngược lại khi chuẩn bị khá lâu và triển khai hết sức cẩn thận?
Khi chúng ta đã đi đủ sâu và xa, thì không cần vội vàng. Hồi xưa năm 2000, tôi được 1 đơn vị mời tôi lên Stanford để phỏng vấn. Sau khi nói 10 phút, tôi bắt đầu gãi đầu và hỏi lại: "Các bạn đã mua nhà chưa?", mọi người mới nói: ‘Chưa chưa!, chúng tôi mới tốt nghiệp Đại học Stanford được 3 năm'. Tôi nói: "À, vì vậy các em không có những trải nghiệm về việc đi mua nhà hay quy trình mua nhà, nên hãy để anh trình bày sâu hơn 1 chút".
Khi đã trải nghiệm thực tế đủ, chúng ta sẽ biết vấn đề - cơ hội nằm ở đâu. Khi chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm ở những thị trường khác, khi chúng ta bước chân vào thị trường Việt Nam, chúng ta có thể so sánh được. Chứ không phải mình cứ mang mô hình kinh doanh đã thành công ở nước ngoài rồi áp dụng vào Việt Nam và cho rằng nó sẽ chạy tốt. Cái đó không khả thi! Có thể nó chạy ổn nhưng đa số là không.
Vì vậy, mình phải chỉnh sửa mô hình nào phù hợp nhất, mình lấy một chút ở chỗ này, một chút ở chỗ kia và ráp lại - mình gọi nó là Frankin Style, cuối cùng chúng ta sẽ có một bức tranh đẹp.
Nhiều công ty khởi nghiệp hay nhiều nhà sáng lập vừa làm vừa tìm hiểu nên phải sai – sửa liên tục. Còn tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này lâu năm, nên tôi có thể dễ dàng thấy hướng đi của nó, quan trọng là thời nào và làm như thế nào.
Anh John Lê đang nhận giải thưởng Công nghệ bất động sản tiêu biểu Việt Nam 2020.
Với Propzy, 2 năm đầu là dùng để xây nền tảng, năm sau đó là chỉnh sửa quy trình và chính sách. Ví dụ: với người nhân viên sale, lúc đầu tôi nghĩ là mình trao hoa hồng cho họ từng này là phù hợp, nhưng thực tế không phải, thì mình phải điều chỉnh, tăng lên hoặc giảm xuống.
Như phần mềm của Propzy, bây giờ nó phát triển lên phiên bản 2.7. Những ngày đầu khởi động Propzy, Propzy đã tổ chức một buổi dùng thử cho các môi giới bên ngoài để họ có thể tiếp xúc công nghệ của Propzy. Lúc đó, chúng tôi có khoảng 2.000 sale bất động sản dùng thử và quan sát họ sử dụng, thao tác. Sau khi thử nghiệm thấy tốt, mới xây dựng nền tảng và áp dụng cho đội ngũ sale của Propzy.
Thực tế, công nghệ lõi của Propzy trong vài năm gần đây không thay đổi chút nào hết vì đã được định hình sẵn ngày từ ban đầu.
Phong cách khởi nghiệp của tôi, khi đưa sản phẩm ra thị trường thì phải đúng thời, đúng lúc và đúng kế hoạch. Hơn nữa, đi tiên phong, không phải lúc nào cũng tốt. Vì nếu ra đời sớm quá, nó cũng có một số rủi ro nhất định. Là người đi sau, mình có thể nhìn thấy người đi trước mình có những rủi ro gì trên đường đi của họ. Hoặc nếu mình đi sau, mình đã có kinh nghiệm để rút ra, để có thể đi nhanh hơn so với thị trường và vượt qua họ. Hoặc mình đi trước thì mình đi luôn. Tùy cách mình điều hành.
TRẢI NGHIỆM TRỌN GÓI VÀ XUYÊN SUỐT: TỪ KHI ‘CHẠM’ VÀO MỘT NGÔI NHÀ CHO ĐẾN LÚC SỞ HỮU NÓ
Theo anh, lợi thế cạnh tranh của Propzy trong ngành bất động sản là ở đâu?
Hồi xưa, nếu chúng ta là người mua, khi lên các trang mua bán rao vặt trên mạng, chúng ta phải tương tác với một số người - có thể là 5 đến 6 người và phải đầu tư thời gian, để sắp xếp gặp mọi người rồi so với bất động sản họ đang quảng cáo. Có thể, chúng ta sẽ thành công khi mới gặp 1 hoặc 2 người hoặc ngược lại. Tuy nhiên, cái đó rất phí thời gian và không có sự tiện lợi. Quy trình phức tạp đó khiến chúng ta phải lo lắng, nhức đầu vì phải bỏ bao nhiêu công việc, để gặp những người bán không trung thật hoặc không tôn trọng thời gian của chúng ta.
Khi đến Propzy, khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà rồi tải app về, sau đó điền những thông tin mong muốn của mình lên trên app, rồi ngay lập tức sẽ được người đến chăm sóc tận răng. Lúc đó, khách hàng sẽ đi từ kênh online xuống offline - tất nhiên khách hàng sẽ đến trung tâm giao dịch Propzy nào thuận tiện, vì Propzy có hàng chục văn phòng đại diện ở khắp nơi.
Hiện trải nghiệm của Propzy đang trên 1 khu vực rộng lớn – chúng tôi quản lý khoảng 30% đến 35% bất động sản tốt đang có trên thị trường. Propzy đang làm việc trực tiếp với chủ nhà. Nên có thể nói, Propzy đang mang đến cho người mua và bán bất động sản Việt trải nghiệm khác biệt trên thị trường.
Trong quá trình tư vấn, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn cho khách hàng về pháp lý, tiện ích và những chi tiết khác của bất động sản. Sau đó, khách hàng sẽ được nhân viên khác dẫn đi tour xem bất động sản đó. Trong thời gian tìm hiểu, nếu khách hàng có nhu cầu vay tiền để mua bất động sản, nhân viên Propzy sẽ tìm hiểu sâu và tư vấn. Đó là một trải nghiệm khác! Tôi đã có thói quen đó ở nước ngoài nhưng về đây chưa được đáp ứng.
Giá của các bất động sản trên hệ thống của Propzy đã là giá cuối cùng chưa? Và Propzy đã có những cách vận hành như thế nào để ‘ngăn’ bên bán và bên mua giao dịch trực tiếp như trước đây?
Trên hệ thống của Propzy có giá mà chủ nhà muốn chào trên thị trường và phù hợp với mặt bằng chung trên hệ thống, còn giá chốt trên hệ thống chỉ có nhân viên sale mới biết. Khi khách hàng vào và tiếp cận sản phẩm, ngoài giá thì sản phẩm còn có những tiện ích gì và nó khớp như thế nào với các bất động sản khác sẽ thể hiện rõ trên hệ thống, rồi sau đó 2 bên thương lượng với nhau.
Điều Propzy muốn tránh là người mua - người bán muốn gặp nhau trực tiếp và thương lượng với nhau, nên Propzy sẽ có người đại diện cho phía mua và 1 người đại diện cho phía bán.
Bên trong một trung tâm tư vấn của Propzy.
Phía bên nhân viên phụ trách bán họ sẽ có 1 giỏ hàng từ 300 đến 400 căn nhà. Thực tế, trên thị trường hiện tại, không có người môi giới nào có khả năng quản lý danh mục sản phẩm nhiều như thế - nhiều nhất chỉ từ 20 đến 30. Cái này là dựa trên công nghệ và phần mềm. Nếu phải so sánh, thì Propzy như 1 quỹ đầu tư hoặc quỹ chứng khoán; giống như khi khách đến SSI và đưa 1 triệu USD đề nghị họ đầu tư, họ sẽ có rổ cổ phiếu để tư vấn cho chúng ta nên đầu tư vào cổ phiếu nào lợi nhất.
Để tăng hiệu quả và lợi nhuận, chúng tôi phải có quy mô. Khi chúng ta có quy mô, 1 người sale không thể làm từ A đến Z mà mình phải phân loại – chia công việc. Propzy như 1 nhà máy, để xây nên 1 nhà máy và quy trình phải có công nghệ, dữ liệu. Khi gặp chủ nhà và người mua sẽ như thế nào, mình làm sạch bất động sản như thế nào, đưa bất động sản lên hệ thống như thế nào…
Nền tảng Propzy luôn xác thực thông tin để khi bên mua họ chạm vào nền tảng Propzy, mình sẽ kéo họ vào quy trình này và 2 bên sẽ gặp nhau. Mình chia cái này thành 6 giai đoạn khác nhau.
DỊCH VỤ CHUẨN CHẤT LƯỢNG 5 SAO VÌ MỖI NGƯỜI CHỈ GIAO DỊCH 1 ĐẾN 2 LẦN TRONG ĐỜI
Tại Việt Nam, pháp lý là một vấn đề nhức nhối của ngành bất động sản và muốn giải quyết cần cả một hệ thống. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Có thể nói, vì vấn đề pháp lý của ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn, thì tôi mới nhảy vào, bởi trước đó tôi phải tìm hiểu được vấn đề thực sự của thị trường.
Nếu tôi đi theo hướng dễ nhất là công ty bị chết từ lâu! Hiện tại, đang có nhiều công ty khởi nghiệp khác ở Đông Nam Á đi theo hướng phân phối hoặc tổ chức 1 trang web kiểu proptech, phân phối ở thị trường sơ cấp; nhưng tôi không muốn đi theo con đường đó. Vấn đề pháp lý ở những nước kia như thế nào tôi không biết, nhưng cụ thể tại Việt Nam mình nhìn thấy trên thị trường thứ cấp – một phân khúc lớn đang khá phức tạp và nhiều vấn đề. Sau khi quan sát, tôi quyết định nhảy vào làm, dù có thể nhiều người khác tránh và né. Với tôi, thực tế đó là 1 cơ hội!
Như tôi đã chia sẻ lúc đầu, mình không lấy 100% mô hình nước ngoài áp dụng vào Việt Nam, mà mình phải tìm hiểu sâu rồi nặn ra 1 mô hình phù hợp hơn. Ở những nước khác có Hiệp hội môi giới để quản lý giới ‘cò’, nhưng ở Việt Nam không có.
Như đã nói ở trên, trong giai đoạn đầu ra mắt, khi chúng tôi thử xem những người "cò" – môi giới tương tác trên này như thế nào với bất động sản của họ, như đẩy các sản phẩm vào Propzy. Rồi tôi thấy toàn ‘rác’! Thế nên, Propzy phải tự xây đội ngũ sale của mình, hiện có từ 400 đến 500 người. Đầu tiên, chúng tôi cũng muốn dùng nguồn lực sale bên ngoài, nhưng sau thấy điều đó không khả thi.
Để thay đổi một thị trường, chúng ta có thể ngồi đó và đợi, một lúc nào đó nó sẽ tốt lên như mong muốn hoặc là mình tự xây nên đội ngũ của mình. Khi mình xây lên được đội ngũ của mình tốt, thì mới kéo người dùng vào đồng hành cùng mình. Tất nhiên, khi mình tự xây thì phí cho nhân sự hơi nặng, nhưng mình buộc phải đánh đổi và đây không phải là mô hình thành công ngay ngày mai.
Vậy mô hình kinh doanh và hệ thống của Propzy đã tốt như anh muốn chưa?
Vẫn chưa, vẫn còn nhiều việc mà Propzy phải làm và có cơ hội để phát triển cũng như định nghĩa lại nó. Dù sao Propzy chính thức phát triển mới có 2 năm. Thứ 2 nữa, Propzy đang muốn gầy dựng đội ngũ thật nhanh. Đội ngũ tiếp cận khách hàng trực tiếp của Propzy là các bạn sale và nhân viên tư vấn, mình phải bảo đảm sao quy trình – hệ thống hỗ trợ họ làm việc tốt nhất.
Nhiều khi người sale của mình không cố tình làm dở đâu. Nhiều khi họ mới quá hoặc phải chăm sóc nhiều deal quá – đây là 1 lợi thế của Propzy; một người sale của chúng tôi có thể chăm sóc tới hàng chục (30 đến 40 khách 1 lúc), so với môi giới ở bên ngoài gấp 10 lần. Nhưng khối lượng công việc của họ nhiều như vậy thì có 1 số rủi ro như là: ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của sale. Thế nên, Propzy luôn nhìn sâu vào quy trình, hệ thống chính sách để xem mình có có hội chỉnh sửa ở đâu không.
Hiện Propzy có nguyên 1 đội ngũ vận hành chuyên về trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm của môi giới. Họ luôn luôn theo luôn 1 quy trình - có thể có mấy nghìn công việc trong đó/tháng, để biết chỗ nào có thể tối ưu và chỗ nào không. Nôm na là quy trình – hệ thống công nghệ phải làm sao để gọn gàng – dễ sử dụng để người sale bán càng nhiều sản phẩm càng tốt và với dịch vụ tốt. Trải nghiệm khách hàng phải tốt!
Vậy ở Propzy, tuyển sale có khó hay không, thưa anh?
Khó mà không khó! Đầu tiên họ phải có đam mê làm sale, am hiểu thị trường và có chút thiên phú về khả năng phục vụ khách hàng. Như tôi chia sẻ với nhân viên: ở đây có high tech + high touch, chứ không phải công nghệ cao thôi. Bất động sản là 1 giao dịch khá lớn và khá to, nhưng trong 1 cuộc đời của mình chỉ có 1 đến 2 lần trải nghiệm, nên mình phải chắc chắn mình phục vụ khách hàng của mình tốt nhất.
Ví dụ: mình muốn ai đó chăm sóc bà nội – bà ngoại của mình tốt thế nào, thì mình nên làm tốt như thế với khách hàng. Cứ nghĩ như vậy thì mới ổn!
Chúng tôi cũng ưu tiên việc đào tạo và hiện Propzy đang đổ rất nhiền nguồn lực cho công việc này. Về phần đào tạo này, tôi cũng rất chú tâm quan sát và thúc đẩy team phải làm thật tốt. Tôi cũng là người trực tiếp huấn luyện. Nên khi tôi thấy chỗ nào đó chưa hiệu quả, từ cách tiếp cận khách hàng, đến chăm sóc khách hàng, tôi sẽ đứng lớp để truyền đạt kinh nghiệm.
Đó là một chuyện hết sức bình thường, như là 2 năm trước đây bắt đầu khởi động, tôi đã nói với các nhân viên sale của mình là mình phải phục vụ khách hàng bằng dịch vụ chất lượng 5 sao. Rồi sau mình ngồi lại và nghĩ, trong nhóm này có ai đó biết chất lượng 5 sao là như thế nào không? Và hình như chưa có mấy người trong nhóm này trải nghiệm dịch vụ 5 sao. Vậy là tôi đã cho cả team đi trải nghiệm dịch vụ ở một khách sạn 5 sao nổi tiếng tại Phú Quốc.
Mình phải đầu tư vào dịch vụ, chứ bất động sản trước đây không phải là một ngành nghề chuyên nghiệp, nếu chúng ta nhìn vào bất động sản thứ cấp. Nếu chúng ta xem về phía sơ cấp, ai cũng mặc áo vest, tóc láng cóng – trông rất chuyên nghiệp hoặc chị nhìn các ‘cò’ bên ngoài, họ trông luôn bảnh bao một cách khác lạ.
Thị trường thứ cấp nó không có quyến rũ và sang trọng. Mục đích của tôi là ai đó khi suy nghĩ về ngành bất động sản sẽ có 2 chiều hướng: thấy thị trường thứ cấp quá đẹp quá tốt và đang có 1 đơn vị chuyên nghiệp đi trước, dẫn dắt ngành nghề này để những đơn vị đi sau có thể làm tốt như thế. Như thế nó sẽ tốt cho người tiêu dùng!
TỪ LÚC RA Ở RIÊNG CHO ĐẾN HẾT CUỘC ĐỜI
Hiện tại, doanh thu của Propzy đang đến từ những nguồn nào, thưa anh?
Propzy có một số mô hình kinh doanh đang phát triển, nhưng nổi bật nhất vẫn là các market-place, nền tảng giao dịch bất động sản, mua bán cho thuê; nên doanh thu đa số vẫn đến từ nó. Cụ thể hơn là từ tiền hoa hồng mua bán hoặc giúp khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý, như thủ tục – hợp đồng, nếu ngoài quy định của Propzy.
Hoa hồng trên 1 giao dịch bất động sản Propzy đang lấy giống thị trường – 1%. Propzy không lấy phí làm dịch vụ giấy tờ như ở những giao dịch mua bán bình thường, vì đó là giá trị mà chúng tôi muốn mang lại cho thị trường. Nhà của khách đang gặp vấn đề pháp lý hoặc chưa hoàn công – những chuyện chúng tôi gặp thường xuyên, nhưng người ta vẫn có nhu cầu mua hoặc bán, 2 bên thương lượng với nhau và đội ngũ pháp lý của Propzy sẽ cung cấp dịch vụ giải quyết vấn đề đó và đó sẽ là tiền thu ngoài hợp đồng.
Thứ nhì, Propzy cũng có mảng tài chính, chúng tôi đang kết hợp một vài đối tác ngân hàng cho vay. Đây là bước đầu tiên, bước tiếp theo là Propzy sẽ đẩy mạnh mảng fintech, bắt đầu cung cấp vay mua nhà trực tiếp. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số ngân hàng phía sau.
Cách đây 3 năm, Propzy có xây dựng 1 phần mềm Tap và hiện nó đang hoạt động từ miền Nam đến miền Bắc - chúng tôi vừa mới hợp tác với 1 đơn vị mới để triển khai hoạt động ngoài Bắc. Phần mềm này cũng tạo một nguồn doanh thu nhất định cho Propzy, từ tiền bán bản quyền sử dụng app và các giao dịch trên app.
Anh có thể tiết lộ một chút bức tranh của Propzy trong 5 năm tới và mục tiêu cuối cùng của startup này là gì?
Tầm nhìn của Propzy là có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ toàn bộ nhu cầu về chỗ ở của mỗi người dân Việt Nam trong suốt cuộc đời của họ, từ lúc ra ở riêng cho đến lúc đi hết quãng đời của họ.
Nếu chúng tôi tiếp cận với bạn trong năm 2020 và 3 năm tới bạn mua một bất động sản với 200.000 USD, mà bạn không có đủ tiền để mua bất động sản đó, thì chúng tôi vẫn có cách để giúp bạn hoàn thành ước mơ. Như đã nói ở trên, sắp tới, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ vay tiền mua bất động sản.
Rồi sau đó bạn có em bé, bạn muốn một ngôi nhà lớn hơn, chúng tôi sẽ hỗ trợ để bạn có thể đổi. Tiếp theo, con cái bạn lớn hơn và muốn đi du học Úc, bạn bán nhà hoặc mới chuyển tới một ngôi nhà tốt hơn, để có tiền dành cho con đi học. Nói chung bằng tài sản nhà, chúng tôi có thể cung cấp cho bạn những dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu từng thời điểm mà có thể bản thân bạn chưa nghĩ ra.
Cảm ơn anh rất nhiều!