Bộ phận Nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan vừa lần đầu công bố báo cáo riêng về lĩnh vực ngân hàng Việt Nam với những nhận định tương đối tích cực. Cụ thể, đại gia tài chính này cho rằng các ngân hàng Việt Nam đang trở thành một trong những ví dụ ít thấy trong việc kết hợp được 2 yếu tố tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định trong một giai đoạn dài. Theo quan điểm của JP Morgan, điều này cùng với một chu kỳ tín dụng thuận lợi sẽ mang đến lợi nhuận đáng kể cho các nhà băng Việt trong những năm. Cơ hội đầu tư ngành ngân hàng Việt Nam tương đương với giai đoạn của Indonesia 2005-2013 và Ấn Độ 2010-2017.
Triển vọng tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và thặng dư tài khoản vãng lai của nền kinh tế cho phép dự báo tăng trưởng thu nhập và tín dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy vậy, tỷ trọng dư nợ tín dụng/GDP khoảng 104% là mức cao, tương đương 2.500 USD/người, có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng trong vài năm tới.
JP Morgan đánh giá tích cực (overweight) với một số cổ phiếu ngân hàng trong danh mục như Vietcombank ( HoSE: VCB ), Techcombank ( HoSE: TCB ), ACB ( HNX: ACB ) và đánh giá trung lập (neutral) với VPBank ( HoSE: VPB ). Các cổ phiếu này được kỳ vọng tăng trưởng 14-68% trong 12 tháng tới.
Tổ chức tài chính Mỹ này dự báo các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ ghi nhận ROE 15-21% trong 2 năm. Tín dụng được kiểm soát, tăng trưởng kép (CAGR) 16% trong 5 năm tới, cùng với tăng trưởng GDP danh nghĩa 9% sẽ là động lực cho các ngân hàng. Điều này sẽ giữ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) hợp lý (3,58%, ngoại trừ VPB), dù tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thấp (22%). Cán cân thanh toán (2,5% GDP) là chìa khóa cho thanh khoản và tăng trưởng của hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) 94%.
Có yếu tố chu kỳ thuận lợi là một trong những điểm nổi bật của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Lĩnh vực này có vấn đề về chất lượng tài sản trong giai đoạn 2012-2013, nhưng đã được quản lý tốt. Chìa khóa giải quyết là sự ra đời của VAMC, công cụ kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu thêm 5 năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng bán nợ và ghi nhận trái phiếu VAMC, điều này cho phép duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
JP Morgan kỳ vọng CAGR lợi nhuận của 4 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu khoảng 12% giai đoạn 2019-2021, CAGR cho vay 16% và NIM giảm 6-13 điểm cơ bản (ngoại trừ VPB), việc mở rộng cho vay bán lẻ sẽ hút lợi nhuận. Việc xử lý hết nợ xấu VAMC sẽ mang đến triển vọng tăng trưởng thu nhập.
Vốn điều lệ của các ngân hàng (đang trong quá trình chuyển từ Basel I sang Basel II) dù vậy, vẫn ở mức thấp, khiến hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khoảng 12,2%. Tuy nhiên, RoE cao, thanh toán cổ tức hạn chế (0-17%) và tăng trưởng tài sản rủi ro hợp lý (13-19%) giúp nhu cầu vốn cốt lõi của ngân hàng vẫn được đảm bảo.
|
Tỷ trọng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam ở mức 104% GDP điều chỉnh được đánh giá là cao. Điều này có thể đến từ hiệu quả sử dụng vốn thấp tại các doanh nghiệp Nhà nước. Cho vay bán lẻ đã phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đòn bẩy tiêu dùng cao, cuối cùng sẽ hạn chế tăng trưởng và dẫn đến nợ xấu.
JP Morgan cũng đưa một số rủi ro khi đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Thứ nhất là việc Moody’s xem xét hạ xếp hạng tín dụng của 17 ngân hàng, do thanh toán nợ của Chính phủ bị trì hoãn. Bất kỳ sự hạ cấp nào cũng có thể tác động tiêu cực đến cổ phiếu. Thứ hai, tỷ giá ngoại hối có thể làm giảm lợi nhuận trên đồng USD cho các nhà đầu tư. Thứ ba, Việt Nam là một trong những nước thuộc danh sách giám sát của Kho bạc Mỹ về vấn đề thao túng tiền tệ. Thứ tư, sự thay đổi mạnh về thặng dư vãng lai và cán cân thanh toán có thể dẫn đến thắt chặt thanh khoản và hạn chế tăng trưởng tín dụng tự thân.