Về dài hạn, Mỹ áp thuế nhập khẩu áp lên Trung Quốc có thể dẫn đến sự tái phân bổ khả năng xuất khẩu sang các trung tâm sản xuất khác – đặc biệt là nếu thuế được dự báo kéo dài hoặc thậm chí là vĩnh viễn.
Quy mô lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, chiếm khoảng 70% toàn EM châu Á, cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.
Tuy nhiên, với nguy cơ thuế tăng và kéo dài, các chuỗi cung ứng có thể đa dạng hóa khỏi Trung Quốc bằng cách tăng công suất hiện có hoặc đầu tư mới trong khu vực. Động lực này ảnh hưởng tích cực đến dòng vốn FDI, cân đối dòng tiền và tăng trưởng ở EM châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, nếu các trung tâm sản xuất mới xuất hiện tại khu vực – giả định sự mở rộng này không quay trở về Mỹ hay Mỹ Latin hoặc các nền kinh tế xuất khẩu không thuộc châu Á.
Các nền kinh tế với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn, chi phí lương tương đối thấp, và trình độ kỹ năng cao hoặc năng lực hạ tầng tốt, có thể trở thành bên thắng cuộc nếu các chuỗi cung ứng đi theo hướng đa dạng hóa này.
Theo J.P. Morgan, những yếu tố trên đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh của Việt Nam trong 3 – 4 năm qua. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy mạnh xu hướng này thông qua sự đa dạng hóa của dòng vốn FDI.
Một số quốc gia trong khu vực có sự cân bằng giữa cấp độ kỹ năng và chi phí tiền lương. Điều này khiến các nền kinh tế có chi phí lương cao hơn khó thu hút dòng vốn rời khỏi Trung Quốc. Ngược lại, các nền kinh tế có chi phí lương thấp, như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), có thể giành thêm thị phần trong hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp hơn.
Thị trường cận biên
Việt Nam đã vươn lên trở thành một cửa ngõ sản xuất và xuất khẩu quan trọng ở EM châu Á. Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam trên tổng giá trị xuất khẩu của khu vực tăng trong 3 – 4 năm qua trong khi tỷ lệ của Trung Quốc giảm.
Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực qua các năm.
Thay đổi tỷ lệ xuất khẩu của các nền kinh tế trong tổng giá trị xuất khẩu EM châu Á.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phát triển nhanh là nhờ ảnh hưởng kết hợp từ lực lượng lao động trẻ, quy mô lớn, chi phí lương thấp, từ đó thu hút dòng vốn FDI. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể làm gia tăng xu hướng này, giúp Việt Nam ngày càng thống trị trong chuỗi cung ứng công nghệ và điện thoại thông minh, thường tập trung về Trung Quốc.
So với phần còn lại của EM châu Á, kinh tế Việt Nam có một điểm bất thường. Năng lực giáo dục toàn cầu, tính toán dựa trên thứ hạng Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), của Việt Nam nằm trên đường trung bình toàn cầu và cao hơn đáng kể so với các nền kinh tế khác có cùng mức thu nhập.
Các nền kinh tế châu Á thường có xu hướng có điểm PISA cao hơn trung bình toàn cầu, trong đó, Trung Quốc là nước duy nhất có PISA cao trong khi GPD bình quân khá thấp. PISA của Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhìn chung tương xứng với mức thu nhập.
Vị trí PISA các nước so với trung bình toàn cầu.
Điều này nghĩa là kinh tế Việt Nam là sự kết hợp hiếm có giữa chi phí lao động thấp cùng trình độ học vấn cao - tức lực lượng lao động trình độ cao. Động lực này càng rõ ràng hơn khi so sánh với các quốc gia có GDP bình quân thấp.
Năng lực giáo dục của một số nước có GDP bình quân dưới 12.000 USD so với trung bình thế giới.
Chi phí cơ hội
Quy mô lĩnh vực công nghệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch lớn. Sản xuất của Việt Nam chỉ bằng 2% so với Trung Quốc trong năm 2017. Tuy nhiên, J.P. Morgan cho rằng Việt Nam đang giành thị phần trong một số lĩnh vực nhất định, như sản xuất điện thoại thông minh, từ Trung Quốc.
Những sản phẩm đó cũng được sản xuất với mức độ khác nhau ở nhiều khu vực khác trong ASEAN và Đông Bắc Á, chi phí sản xuất thấp của Việt Nam cho thấy nước này có thể tiếp tục hưởng lợi trong trung hạn từ sự tái phân bổ sản xuất khỏi Trung Quốc, theo J.P. Morgan.
Xuất khẩu cũng có thể đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, đẩy nhanh quá trình đã diễn ra suốt thập kỷ vừa qua. Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đầu những năm 2000, chi phi lương tại nước này đã tăng nhanh so với phần lớn các nền kinh tế ở EM châu Á, thể hiện ở sự giảm GDP bình quân trong khu vực so với Trung Quốc.
GDP bình quân EM châu Á so với Trung Quốc.
Chi phí lao động tăng cho thấy những trung tâm sản xuất có chi phí thấp ngày càng giành thêm thị phần trong hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, bao gồm các sản phẩm tiêu dùng và hàng hóa sản xuất cơ bản.
Một khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về quyết định đầu tư của các doanh nghiệp cho thấy sự gia tăng ổn định trong đầu tư và thuê lao động ở Nam Á cùng CLMV trong năm nay. Ngoài chi phí lao động, nhân khẩu học, đặc biệt là khi so với Trung Quốc, cũng là yếu tố giúp thu hút dòng FDI vào những nền kinh tế này.
Độ tuổi trung bình tại EM châu Á.
Về dài hạn, phân bổ thị phần từ Trung Quốc sang các vùng khác có thể làm tăng chuỗi giá trị cho các thị trường cận biên nêu trên. Động lực này, nếu bền vững có thể mang lại tác động tích cực cho dòng vốn FDI, cân đối dòng tiền và tăng trưởng ở EM châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, nếu các cơ sở sản xuất mới xuất hiện tại khu vực.
Theo J.P. Morgan