Harsh Modi, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu tài chính ở khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) của JPMorgan, nhận định, sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng sinh lời đáng kể của các ngân hàng Việt Nam là một điều hiếm thấy. Do đó, lĩnh vực này có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ mà không cần lượng vốn lớn trong dài hạn.
Modi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11: "Tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) mà họ đang tạo ra là khá lớn, cao hơn mức tăng trưởng của bảng cân đối kế toán." Ông cho biết điều này có nghĩa là, về mặt lý thuyết, các ngân hàng Việt Nam không cần huy động vốn để hỗ trợ đà tăng trưởng hiện tại. Tuy nhiên, ông giải thích rằng, họ vẫn làm điều đó nhằm mục đích đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và đáp ứng các yêu cầu về pháp lý.
Ông nói thêm, do đó, nhà đầu tư của các ngân hàng này không cần rót quá nhiều tiền, họ vẫn có thể chứng kiến đà tăng trưởng ổn định của bảng cân đối kế toán trong một khoảng thời gian. Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đang ở mức giá cao một cách hợp lý. Modi khẳng định: "Đây chính là yếu tố hấp dẫn của khu vực này."
Trong một bản báo cáo mà Modi là đồng tác giả, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết họ kỳ vọng các ngân hàng Việt Nam mà JPMorgan theo dõi sẽ có tỷ lệ ROE 15% đến 21% trong 2 năm tới. Hiện tại, ngân hàng đầu tư này đang đặt cược lớn vào Vietcombank, Techcombank và ACB.
Theo Modi, các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực đang thúc đẩy tâm lý lạc quan về các ngân hàng Việt Nam. Ông giải thích, các ngành hướng về xuất khẩu đang tăng năng suất và thu hút được nhiều vốn FDI sẽ chính là yếu tố giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư tài khoản vãng lai trong vài năm tới, ngoài ra còn đảm bảo thanh khoản trong nước ở mức hợp lý. Trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Modi cho hay: "Bởi chúng tôi có thể dự đoán về kim ngạch xuất khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai và thanh khoản, nên chúng tôi tự tin khi đặt ra kỳ vọng lớn đối với tăng trưởng và khả năng sinh lời của của hệ thống ngân hàng Việt Nam."
Ngoài ra, ông cũng cho biết trên khắp Đông Nam Á còn rất nhiều cơ hội, nhưng mức độ rủi ro và lợi nhuận ở mỗi thị trường lại khác nhau. Theo ông, nhìn chung, JPMorgan "thường" ưa chuộng các ngân hàng Indonesia, bên cạnh một số ngân hàng ở Thái Lan và Philippines.
Modi cũng giải thích về sự khác biệt chính giữa Việt Nam và các thị trường khác trong Đông Nam Á. Giới hạn của Việt Nam về việc tiếp cận thị trường khiến nhà đầu tư nghĩ đến các khoản đầu tư dài hạn hơn. Trong khi đó, ở các thị trường khác, với cơ sở hạ tầng tốt hơn, thì đầu tư ngắn hạn là lựa chọn sáng suốt hơn.
Tại các thị trường Đông Nam Á có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, thì vấn đề thương mại vẫn là "rủi ro lớn nhất". Modi cho hay, rủi ro đó nằm ở việc các quốc gia này có thể kết hợp chính sách tài khoá, tiền tệ và công nghệ hiệu quả như thế nào, để thúc đẩy hoạt động kinh tế và cải thiện năng suất nhằm thu hút đầu tư.