Từ năm 1998 sau khi nghe tin Kai Tak sắp ngừng hoạt động, nhiếp ảnh gia Birdy Chu đã bắt đầu lên kế hoạch ghi lại những ngày tháng cuối của sân bay cùng những chiếc phi cơ bay qua kề sát với những nóc nhà của thành phố, để lưu giữ một kỷ niệm khó quên của Hồng Kông thời kỳ này. Anh đã chụp hàng ngàn bức ảnh về sân bay Kai Tak trước khi nó đóng cửa vào tháng 7 năm đó và chuyển sang hoạt động tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông hoành tráng hơn.
Tuy nhiên, trong mắt của Birdy Chu hay rất nhiều người dân Hồng Kông khác, sân bay Kai Tak là một "cuộc đổ bộ mang tính biểu tượng", họ coi nó là một huyền thoại và dành tình yêu sâu sắc cho nó không kém gì tình cảm to lớn đối với xứ Cảng Thơm này.
Trong vô số những bức ảnh Birdy Chu chụp Kai Tak, đã có đến 45 bức được trung bày tại Cửu Long gần nơi từng là địa điểm của sân bay một thời từng được mệnh danh là "phi trường khó hạ cánh nhất thế giới".
Giống như nhiều người Hồng Kông, Birdy Chu cũng có những kỷ niệm đẹp về Kai Tak, một trong những sân bay khó hạ cánh nhất trên thế giới được khánh thành từ năm 1925. Bất cứ ai từng nhìn thấy những chiếc máy bay hạ cánh ở đó đều có câu chuyện riêng của mình mang tên: "Những khoảnh khắc dựng tóc gáy khi sống gần các tòa nhà dọc đường băng".
Kai Tak là sân bay tọa lạc tại phía Bắc của vịnh Cửu Long. Khu vực phụ cận bị bao bọc bởi các dãy núi lởm chởm; phía Bắc và Đông Bắc là một dãy các đồi có độ cao 609,6 m; phía Đông là các dãy đồi cao với khoảng cách chỉ 5 km và phía Nam của sân bay là Cảng Victoria
Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á, trong đó có Hong Kong trong thời kỳ thập niên 80 - 90, đã khiến sân bay Kai Tak lâm vào tình trạng quá tải. Có công suất phục vụ 24 triệu hành khách, nhưng từ đầu thập kỷ 90, sân bay này đã phải phục vụ đến 30 triệu lượt khách cùng nhiều tấn hàng hóa mỗi năm.
Ngoài ra, do đặc thù địa hình khiến việc hạ cánh tại sân bay này là điều vô cùng khó khăn ngay cả đối với các phi công lão luyện nhất. Tùy thuộc vào hướng hạ cánh mà máy bay phải vượt qua các khu vực đông đúc dân cư tại Cửu Long với cao độ thấp.
Điều này dẫn đến việc độ cao các tòa nhà xây ở Cửu Long bị hạn chế để đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh an toàn của sân bay. Nhưng đồng thời lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiềm năng phát triển của Hồng Kông. Cộng thêm việc gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng cho các cư dân gần đó, lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 6h30 sáng cũng cản trở hoạt động của sân bay này.
Trước những hạn chế và khó khăn đó, chính quyền Hồng Kông đã ra quyết định xây dựng sân bay mới có tên Chek Lap Kok. Ngày 6/7/1998, sân bay Kai Tak chính thức dừng hoạt động sau 73 năm phục vụ để lại nhiều nuối tiếc cho người dân về biểu tượng một thời của xứ Cảng Thơm.
Trong bộ sưu tập ảnh về Kai Tak của mình, không có gì đáng ngạc nhiên khi tấm ảnh mà Birdy Chu yêu thích nhất chính là khoảnh khắc chiếc Boeing 747 của Cathay Pacific - được đặt tên là "linh hồn của Hồng Kông" trông như bị kẹp giữa hai tòa nhà cũ ở To Kwa Wan trên đường đến Kai Tak.
Hình ảnh một chiếc máy bay của Japan Airlines đang thực hiện cú rẽ mạnh vào thành phố Cửu Long đông dân cư để hạ cánh xuống sân bay Kai Tak.
Birdy Chu kể rằng việc xem các máy bay thực hiện những cú ngoặt mạnh để hạ cánh trên đường băng kéo dài ra biển qủa thực là một điều kỳ diệu. Các máy bay sẽ rẽ phải 47 độ ở dưới 300 mét, để hạ cánh, các phi công phải dựa vào các biển báo được sơn màu trắng và cam ở các ngọn đồi để tự căn chỉnh.
Giờ đây, dù những vạch sơn trên đường băng đã dần nhạt phai nhưng ký ức về sân bay Kai Tak trong tâm trí những người dân Hồng Kông như nhiếp ảnh gia Birdy Chu vẫn rõ nét và sống động như ngày nào. Nó được coi là một "ký ức tập thể" của họ. Kai Tak từng là sân bay nằm ngay giữa Cửu Long và chỉ mất năm phút đi bộ nếu bạn muốn từ đó đi mua một cốc cà phê. Thời điểm ấy là những ngày hạnh phúc, những năm hoàng kim nhất của Hồng Kông.