Mới đây, Công ty chứng khoán KBSV đã công bố báo cáo về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong quý 2/2022. Theo đó, các chuyên gia phân tích giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2022 đạt 6,3% và kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ trong quý 2/2022 sẽ duy trì đà tăng 6% khi nền kinh tế hoạt động bình thường với chiến dịch "sống chung với Covid-19".
Liên quan đến yếu tố lạm phát, báo cáo nhận định, chỉ số CPI bình quân quý 1/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ. Mức tăng lạm phát đang có xu hướng tăng dần do nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.
Thêm vào đó, xung đột giữa Nga-Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga - nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Lạm phát cơ bản có xu hướng tương đồng với lạm phát chung, CPI lõi bình quân tăng 0,81% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý 1/2022, các yếu tố chính tác động tới CPI bao gồm: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ làm CPI chung giảm 0,26 điểm phần trăm; giá vật liệu xây dựng tăng do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm; giá gas tăng 21,04% so với cùng kỳ làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% so với cùng kỳ làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm do do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí.
Rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong các tháng tới sẽ đến từ giá lợn
Dự báo về tình hình lạm phát trong thời gian tới, báo cáo cho biết, mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2022, tuy nhiên, KBSV vẫn kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022.
KBSV lý giải, chính sách tiền tệ hỗ trợ ở mức vừa phải của NHNN giúp cung tiền M2 ổn định và không tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, biến động giá hàng hóa, chủ yếu là giá xăng dầu ổn định hơn trong ngắn hạn cũng sẽ khiến áp lực về lạm phát được giảm bớt. Nguyên nhân nhờ việc các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm cả Mỹ, sẽ xả tổng cộng 240 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong 6 tháng tới.
Ngoài ra, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đầu quý 1 còn hơn 900 tỷ đồng, còn dư địa để Bộ Công thương có thể tiếp tục bình ổn giá và Chính phủ đang nỗ lực bình ổn thị trường xăng dầu khi thông qua Nghị quyết về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12
Theo Bộ Tài chính giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3, việc giảm thuế BVMT sẽ giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2022 ước khoảng 0.76%-0.85%.
Trong kịch bản cơ sở xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt vào cuối quý 2/2022, KBSV kỳ vọng giá xăng dầu giảm mạnh từ mức nền cao hiện tại trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong các tháng tới sẽ đến từ việc giá lợn phục hồi từ mức nền thấp hiện tại. Đặc biệt áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý 2 trước khi hạ nhiệt vào nửa cuối năm, do nhu cầu trong nước hồi phục và ảnh hưởng của xu hướng tăng giá hàng hóa trên thế giới sau khi yếu tố “độ trễ” không còn.
Cụ thể, KBSV dự báo giá thịt lợn có thể tăng lên mức 60.000 - 70.000 VND/kg nhờ nhu cầu ăn uống hồi phục, trong khi nguồn cung thịt heo giảm do tỷ lệ tái đàn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao và giá lợn thấp đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.
Dù vậy, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước.