Ngày 27.12.2017, CLB Nhà báo Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2017 do các thành viên Câu lạc bộ bình chọn.
1. Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời
Ngày 10.8.2017 thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức được vận hành tại Sở GDCK Hà Nội. Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh đã tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng. Chỉ trong vòng 5 tháng, quy mô thị trường chứng khoán phái sinh đã gia tăng theo cấp số nhân. Tính đến cuối năm 2017, đã có trên 16.300 tài khoản giao dịch phái sinh được mở và quy mô giao dịch bình quân tháng 12 đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên giá trị danh nghĩa.
Cuộc bình chọn 10 sự kiện chứng khoán năm 2017 (Ảnh: Quang Phúc)
Bản chất của TTCK phái sinh là cung cấp công cụ phòng ngừa cho nhà đầu tư, tuy nhiên trong những tháng đầu hoạt động, thị trường này mới được sử dụng như một kênh đầu tư sinh lợi với các chủ thể tham gia chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
2. VN-Index trở lại vùng 970 điểm, tròn 1 thập kỷ hàn gắn tổn thương từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chịu các tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008 khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút ra. Sau đúng 10 năm, ngày 4/12/2017, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016), chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
3. Dấu ấn cổ phiếu ngân hàng và các doanh nghiệp tỷ USD
Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017, sàn chứng khoán đã đón tổng cộng 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán trong tổng cộng hơn 30 ngân hàng TMCP hiện nay. Bên cạnh đó có một số ngân hàng đã được cấp mã chứng khoán và đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chào sàn vào đầu năm 2018 như: Techcombank, HDBank, TPBank…
Cũng trong năm 2017, hàng loạt những quả đấm thép chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại thị trường chứng khoán, trong đó không thiếu những cái tên có vốn hóa hơn 1 tỷ USD như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã: HVN-UPCoM), Tập đoàn dệt may Việt Nam (mã: VGT-UPCoM), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (mã: PLX-HOSE),…
Sự hiện diện của những tên tuổi lớn đã và đang góp phần gia tăng tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán lên đáng kể. Hiện có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 959 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2016.
4. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,2 tỷ USD trên sàn niêm yết
Khoảng 1,2 tỷ USD là giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết. Năm 2017, chứng kiến hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng). Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007.
Tính đến cuối tháng 11.2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.
5. Chủ tịch FLC bán “chui” 8,93% cổ phần Công ty
Ngày 10.11.2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC xử phạt 65 triệu đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC do đã không báo cáo về giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu (tương đương 8,93% vốn điều lệ ông ty) trong 5 ngày từ 20-24.10.2017. Theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cổ đông nội bộ phải thông báo công khai dự kiến giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc và chỉ được tiến hành giao dịch sau 24h kể từ khi có công bố thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán.
Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và cũng là trường hợp nổi bật trong hàng hoạt vi phạm đã được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phát hiện, xử phạt trong năm 2017. Lý do: giao dịch bán không công bố của chủ tịch FLC diễn ra cùng khoảng thời gian mà chính ông này công bố đăng ký mua 37 triệu cổ phiếu FLC.
6. Khởi tố hình sự vụ án thao túng giá cổ phiếu CDO
Ngày 22.11.2017, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, sinh năm 1981, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán, theo quy định tại Điều 181c Bộ Luật Hình sự.
Đây là lần thứ 2 kể từ sau trường hợp DVD hồi tháng 5/2011, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội thao túng giá trên thị trường chứng khoán.
Một án phạt ấn tượng khác vừa được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định ngày 26.12, phạt 600 triệu đồng bà Đỗ Thị Cẩm Thúy (Nhân Chính, Hà Nội) thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đá Spilít (mã CK: SPI-HNX) và buộc nộp lại khoản thu lời bất chính hơn 9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 6.12.2017, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành khoảng 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tổng số tiền thu về là 18 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Riêng tội thao túng giá chứng khoán, trong năm 2017, cơ quan này đã ban hành 6 quyết định xử phạt (kể cả quyết định ngày 26/12).
7. 15 báo cáo tài chính kiểm toán không được chấp nhận
Lần đầu tiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của 15 doanh nghiệp đại chúng, hầu hết đang niêm yết trên sàn gồm: KLF, SDD, CMC, KHL, CMT, NAF, ART, KVS, PHH, DNS, FLC, KSA, CTCK Quốc tế, CTCK Mê Kong, CTCK WooriCBV) đã không được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp nhận. Lý do: đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán các báo cáo này là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long –TDK đã bị đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán (theo quyết định số 1087/QĐ-UBCK ngày 11.10.2016).
5 tháng sau, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lần đầu tiên ra quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với kiểm toán viên Nguyễn Ngọc Tỉnh - tổng giám đốc của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội).
Động thái này của nhà quản lý cho thấy việc giám sát các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, đặc biệt là các hành vi về gian lận báo cáo tài chính, đang ngày càng được tăng cường hơn nữa và đặc biệt được mở rộng hơn tới các lĩnh vực dịch vụ liên quan và quan trọng như kiểm toán.
8. STB gây sốc với kế hoạch đổi tên, chuyển sàn
Sau khi ngồi vào “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (mã: STB-HOSE), ông Dương Công Minh- Chủ tịch Tập đoàn bất động sản HimLam đã gây bất ngờ khi công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc: đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và hủy niêm yết trên HoSE để chuyển sang sàn HNX. Lý do đưa ra là: mã chứng khoán STB có phần mang ý nghĩa “sao thái bạch” là một sao xấu theo phong thủy.
Đây là ý định kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn một tháng xin ý kiến, những mong muốn của cá nhân ông Chủ tịch đã không được cổ đông thông qua.
Cũng liên quan đến quản trị công ty, kể từ 1.8.2017, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty có hiệu lực. Trong đó, có 2 quy định đáng chú ý gồm: quy định về Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và Quy định một thành viên HĐQT của công ty đại chúng không được đồng thời làm thành viên HĐQT tại quá 5 công ty khác có hiệu lực từ ngày 01.8.2019.
9. Năm của các thương vụ thoái vốn kỷ lục
Năm 2017 ghi dấu những thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công. Ngày 18.12, gần hơn 343 triệu cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương với hơn 53% cổ phần đã được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Thương vụ này đã giúp Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng. Trước đó, 3,33% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được đưa ra đấu giá cũng đã được đấu giá thành công khi có một tập đoàn của Singapore chi ra 8.990 tỷ đồng để mua trọn lô đấu giá này.
Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp: nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong 2018. Những cái tên sắp tới sẽ là MobiFone, PV Oil, PV Power, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn…
10. Thị trường giao dịch trái phiếu tăng trưởng ngoạn mục
Năm 2017, tổng giá trị giao dịch bình quân trái phiếu đạt hơn 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm 2016. Thị trường TPCP tiếp tục có bước phát triển mạnh về chiều sâu, giá trị giao dịch Repo tăng 72% so với năm 2016 và chiếm 48% tổng giao dịch toàn thị trường trái phiếu. Năm 2017 cũng tiếp tục chứng kiến những thành công trong huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu, khi tổng khối lượng Trái phiếu Chính phủ huy động được đạt 189 nghìn tỷ đồng, riêng Kho bạc Nhà nước huy động được 158 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù kế hoạch phát hành của các tổ chức phát hành đều giảm, tuy nhiên, có một điểm sáng là tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài tăng lên (kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành là 14,02 năm, dài hơn 5,7 năm so với mức bình quân năm 2016) và lãi suất huy động tiếp tục giảm, trong đó các kỳ hạn dài từ 15 - 30 năm có mức giảm mạnh nhất.