Trong đó, 5.472 căn nhà phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 23,7%; 5.208 căn phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 22,6%; 12.366 căn phân khúc bình dân chiếm tỷ lệ 53,7%. Số lượng dự án tập trung nhiều nhất ở Quận 9 (9 dự án), Quận 7 (8 dự án), Quận 2 (6 dự án), Bình Chánh (4 dự án)…
Đối với việc phát triển dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng trình UBND TPHCM chấp thuận đầu tư 12 dự án nhà ở thương mại (giảm 59 dự án so với năm 2018), trong đó 4 dự án chấp thuận đầu tư mới, 7 dự án điều chỉnh, 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở. Ngoài ra, việc cấp giấy phép xây dựng trong năm 2019 cũng giảm nhiều so với năm trước, giảm 2.068 giấy phép xây dựng.
Năm 2020 Sở Xây dựng đề ra mục tiêu phát triển thêm 8,8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn 190,19 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân 20,6m2/người, khởi công và thi công 10 chung cư, tháo dỡ 12 chung cư hư hỏng nặng, hoàn thành việc di dời 550 hộ dân của 9 chung cư hư hỏng cấp D…).
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có kiến nghị bổ sung thêm nội dung về “Kế hoạch chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch”; “Kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư” trên địa bàn thành phố.
Theo HoREA, thị trường bất động sản nhà ở TPHCM năm 2019, cũng là năm thứ hai liên tiếp bị sụt giảm về quy mô, có biểu hiện lệch pha cung - cầu và gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, như: Sụt giảm số lượng dự án nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội; Sụt giảm số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; Sụt giảm số lượng giao dịch; Sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất và thị trường bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc, chồng chéo, xung đột trong một số quy định của pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Theo đó, HoREA đã đề nghị ban hành quy trình các bước xét duyệt hợp lý (5 bước), đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án; quyết định các phương án xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, HoREA cũng nêu ý kiến rằng, UBND thành phố phối hợp với các cơ quan trung ương để sớm giải quyết các vướng mắc của thị trường bất động sản, như: Sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Trong trường hợp có vướng mắc, "UBND thành phố báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính thực hiện công tác xác định giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, khi quyết định phê duyệt dự án nhà ở, đồng thời quyết định cập nhật, bổ sung dự án được duyệt vào "Danh mục dự án nhà ở" trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2020 của thành phố.
Đối với kế hoạch phát triển nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án, HoREA cho rằng nên theo hướng rút gọn quy trình xét duyệt đơn giản hơn (còn 4 bước) so với dự án nhà ở thương mại (5 bước).
Để có kết quả tốt, UBND thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng xem xét các đề xuất của Hiệp hội để ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý.
Do nhiều khả năng Nhà nước không bố trí thêm được nguồn vốn ngân sách để thực hiện hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội trong năm 2020, vì vậy, theo Hiệp hội, UBND thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh), để thực hiện "kết nối ngân hàng với doanh nghiệp" là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.
Về vấn đề xây dựng mới hàng loạt chung cư cũ, HoREA cho rằng nên quy định tỷ lệ khoảng 80% chủ sở hữu chung cư đồng ý phá dỡ chung cư là quyết định có hiệu lực (hiện nay, quy định tỷ lệ này là 100% nên không khả thi); Bổ sung quy định chỉ tiêu dân số (hợp lý) cho dự án xây dựng lại chung cư cũ; Chủ sở hữu chung cư được mua thêm phần diện tích căn hộ tái định cư dôi dư và hộ khẩu ghép được mua căn hộ tái định cư, với giá bảo toàn vốn cộng (+) với lợi nhuận 10% (hiện nay, quy định phải mua "theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận"; Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng tái định cư hội đủ điều kiện của đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khi mua thêm phần diện tích căn hộ tái định cư dôi dư và hộ khẩu ghép được mua căn hộ tái định cư.
HoREA cũng cho rằng nên nhân rộng cách làm của quận 3 thực hiện kế hoạch phá dỡ 12 cụm nhà chung cư trên địa bàn quận 3, để xây dựng lại thành 2 cụm nhà chung cư tập trung và tái định cư người dân theo "phương thức tái định cư tại chỗ, hoặc tái định cư trên địa bàn quận", để áp dụng trên địa bàn thành phố.
Hiệp hội tán thành chủ trương của UBND TPHCM thực hiện nhiều phương thức bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư, không nhất thiết chỉ thực hiện một phương thức Nhà nước phát triển các dự án nhà tái định cư (theo Điều 36 Luật Nhà ở), như: Mua nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư; Sử dụng nhà ở xã hội làm nhà tái định cư; Nhà nước phát triển các dự án nhà tái đinh cư; Hộ gia đình, cá nhân được thanh toán tiền để tự giải quyết nhu cầu tái định cư theo nguyện vọng…
Mặc dù hiện nay đang có tình trạng dư thừa quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, nhưng do yêu cầu phải có quỹ nhà tái định cư phù hợp để đáp ứng nhu cầu tái định cư của người dân trong một số dự án phục vụ lợi ích công cộng cụ thể, nên vẫn cần phải có kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư. Ví dụ: Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ cần quỹ nhà tái định cư tại khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Bên cạnh đó, các khu nhà tái định cư đã được xây dựng trước đây nhưng đang bị bỏ trống, như Dự án Vĩnh Lộc B, Dự án Bình An… cũng cần được đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư năm 2020, để được đầu tư nâng cấp hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm nội dung về kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư năm 2020 của thành phố.