Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu, từ báo cáo của Tổng Cục thuế, tại thời điểm thanh tra (30/9/2022) có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đang được thanh tra, vẫn nợ tiền thuế bảo vệ môi trường lên tới 3.200 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ Ngân sách Nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 6.320 tỷ đồng.
Dẫu nợ thuế đầm đìa nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu lại cho một số cá nhân là chính lãnh đạo vay hàng nghìn tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (số 2, Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp, dẫn đến, từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lại tăng thêm là 3.287 tỷ đồng.
Mặc dù còn nợ NSNN tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ. Ví dụ, Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 đên năm 2022) cho ông Chu Đăng Khoa - Phó Tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty mượn 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 mẹ con bà Chu Thị Thành - Chu Đăng Khoa còn nợ Công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng.
Như Dân Việt cũng đã thông tin, do nợ thuế, tháng 12/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An ra thông báo số 4224 về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức . Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/12/2023 cho đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, các hành vi vi phạm pháp luật trong kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và các doanh nghiệp khác đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, từ việc Bộ Công Thương ban hành thông tư không rõ ràng là Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Thậm chí quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau là trái quy định của khoản 12 Điều 13 và Điều 15 Nghị định này; vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán với nhau và thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau tạo ra các tầng nấc trung gian, dẫn tới hưởng chiết khấu, chênh lệch giá. Kéo theo một phần tiền chiết khấu và chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu . Trong vòng 5 năm (2017-2022), xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu, hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá tới 9.700 tỷ đồng. Trong khi đó, một số thương nhân phân phối chỉ hưởng hơn 75 tỷ đồng.
Hệ quả của tình trạng trên là chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ giảm đi, có khi bằng 0. Và đây chính là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế quốc gia.