Theo các nhà phân tích, Huawei đã thân thiết hơn với Nga, sau khi bị Mỹ và một số nước châu Âu liệt vào danh sách đen. Đây là một động thái có ý nghĩa rất lớn với cả hai bên. Vladimir Rubanov, giám đốc điều hành của Russian IT company Rosplatforma, cho hay: "Huawei là công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Trung Quốc là bạn của Nga. Bởi vậy, rất hợp lý khi Huawei đóng vai trò quan trọng nhất trong mối quan hệ này."
Trong năm vừa qua, Huawei đã đạt được những bước tiến lớn ở Nga. Công ty công nghệ Trung Quốc này đã trở thành "người dẫn đầu" trong các lĩnh vực từ phát triển mạng 5G cho tới doanh số bán smartphone tại Nga. Ngoài ra, Huawei cũng đang trong quá trình mở rộng thêm các hoạt động R&D ở quốc gia này và tạo dựng mối quan hệ đối tác với các trường đại học địa phương.
Hiện tại, Nga cũng đang phải đối mặt với sự "quay lưng" của phương Tây và mối quan hệ với Mỹ cũng đang xấu đi. Trong bối cảnh đó, "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đang mang đến cho nền kinh tế Nga một khoản đầu tư nước ngoài rất cần thiết và giúp các chuyên gia công nghệ Nga học hỏi được những kỹ năng mới, Rubanov chia sẻ.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới St.Petersburg hồi tháng 6, Huawei đã ký một thoả thuận với công ty viễn thông hàng đầu của Nga - MTS, để phát triển mạng 5G tại nước này. Tháng trước, 2 công ty này đã khánh thành khu thử nghiệm công nghệ 5G đầu tiên tại Moscow. Hôm 8/10, Phó chủ tịch Huawei - Ken Hu, cho biết công ty sẽ thúc đẩy việc phát triển 5G ở Nga với khoản đầu tư 500 triệu rúp (7,8 triệu USD) để đào tạo chuyên gia trong 5 năm tới.
Hơn nữa, Huawei cũng là công ty chiếm ưu thế lớn trên thị trường smartphone của Nga. Theo công ty nghiên cứu M.Video-Eldorado, Huawei và thương hiệu Honor đã vượt doanh số bán smartphone của Samsung trong quý II/2018. Một nghiên cứu của công ty này cũng chỉ ra Huawei và Honor đang chiếm 37% thị phần tại đây.
Eldar Murtazin, tổng biên tập tờ Mobile Review, cho biết, thành công của Huawei trên thị trường smartphone của Nga phần lớn nhờ vào việc ra mắt các loại smartphone chất lượng tương đối cao với mức giá phải chăng - điều mà các đối thủ của Huawei không thể hoặc không muốn thực hiện.
Khi Huawei gặp phải rào cản từ Mỹ và châu Âu với những lời cáo buộc rằng thiết bị của họ có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để nghe lén, Murtazin cho biết Moscow không đối xử vởi Trung Quốc như vậy. Ông cho hay: "Ở Nga, Huawei là một công ty tuân thủ pháp luật, không làm những điều như vậy vì không hề có bằng chứng."
Ngoài ra, các chuyên gia Nga được Nikkei phỏng vấn đều thống nhất với lập luận rằng quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân nhìn chung rất dễ bị xâm phạm và không có lý do gì để cho rằng người sử dụng các thiết bị của Huawei lại gặp nhiều rủi ro hơn.
Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng Kremlin không quan tâm nhiều những cáo buộc gián điệp như Mỹ. Rubanov cho hay: "Có một điều hài hước đối với các chuyên gia công nghệ Nga. Nếu bạn sử dụng Apple, Washington sẽ nghe lén cuộc gọi của bạn. Còn nếu sử dụng Huawei, Trung Quốc sẽ làm điều đó. Vậy bạn thích vế nào hơn?"
Các chuyên gia nhận định, căng thẳng với Washington gia tăng cũng là điều thúc đẩy Huawei tìm đến Nga. Hồi tháng 8, Huawei công bố sẽ tăng gấp 3 lần số lượng nhân sự cho R&D tại Nga trong 6 năm tới và mở 3 trung tâm R&D tại đó vào cuối năm 2019, đưa quốc gia này trở thành trụ sở R&D lớn thứ 3 ngoài Trung Quốc của họ.
Hơn nữa, Huawei cũng tăng cường hợp tác với các trường đại học kỹ thuật hàng đầu và các tổ chức nghiên cứu khác, mời họ tham gia các dự án chung và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu liên quan. Lực lượng lao động lành nghề của Nga có thể giúp Huawei duy trì lợi thế sáng tạo, bất chấp áp lực ngày càng lớn từ phương tây, theo Dmitry Komissarov, CEO của New Cloud Technologies. Với tiềm lực tài chính lớn, Huawei có lợi thế để thu hút nhân tài Nga. Komissarov chia sẻ Huawei đã tuyển dụng một số người quen của ông trong ngành IT, và tăng gấp đôi mức lương của họ.
Rubanov chia sẻ, nhìn từ quan điểm của Moscow, mối quan hệ với Huawei mang lại nhiều lợi ích. Công ty này mang đến cho nền kinh tế Nga khoản đầu tư nước ngoài rất cần thiết và giúp các chuyên gia công nghệ địa phương có thêm kỹ năng mới. Ông nói: "Về bản chất, Huawei đang sử dụng tiền của họ để đào tạo công dân Nga về cách sử dụng công nghệ tiên tiến và tạo cơ hội cho họ tham gia phát triển các sản phẩm quy mô toàn cầu."
Murtazin cho hay, khi Huawei đang thúc đẩy "tầm phủ sóng" tại Nga, thì sự thành công trong tương lai tại quốc gia này sẽ gây bất lợi tới các đối thủ đến từ Mỹ. Ông nói: "Chiến lược toàn cầu của Huawei khá đơn giản. Mỹ đã đẩy Huawei ra khỏi thị trường, nhưng họ vẫn còn Trung Quốc và những quốc gia sẵn sàng làm bạn - nơi sẵn sàng tạo cơ hội cho họ."
Ông nói thêm: "Bởi vậy, Huawei sẽ đầu tư mạnh vào Nga và chiếm ưu thế so với các công ty cơ sở hạ tầng mạng của Mỹ ở Nga. Bằng cách tạo điều kiện và mang đến những hợp đồng thuận lợi hơn, đây sẽ là nỗ lực nhằm hạ gục đối thủ, không mang nhiều tính chính trị mà thiên về marketing và thương mại."