Việc chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bước đầu có những vướng mắc và Tổng cục Thuế lệnh rà soát lại để thông suốt, tránh tình trạng 'kế toán lo thức thâu đêm' xuất hóa đơn.
Ngày 18/1, Tổng cục Thuế cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vướng mắc thực hiện hóa đơn điện tử, Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã trực tiếp chỉ đạo Trung tâm điều hành Hóa đơn điện tử và Cục Công nghệ thông tin phối hợp với các Trung tâm của 6 Cục Thuế địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo.
Thực hiện hóa đơn điện tử sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, trốn thuế nhưng giai đoạn đầu còn gặp vướng mắc |
Đồng thời, các Cục Thuế địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai rà soát, nắm bắt thêm thông tin vướng mắc từ phía DN và người nộp thuế để có phương án hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.
Trường hợp, nếu vướng mắc kỹ thuật (có tính chất cá biệt) vượt quá phạm vi quản lý của đơn vị, phải báo cáo kịp thời để Tổng cục Thuế có phương án hỗ trợ, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và hộ, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu, sau khi rà soát các vướng mắc và đưa ra những giải pháp khắc phục, các Cục/Vụ/đơn vị chức năng phải kịp thời triển khai các giải pháp để các Cục Thuế địa phương phối hợp với NNT tổ chức thực hiện.
Theo Tổng cục Thuế, trong quá trình chuẩn bị triển khai hóa đơn điện tử, ngành Thuế cũng dự báo trong quá trình thực hiện HĐĐT trong thực tế, cả cơ quan quản lý thuế và NNT (bao gồm cộng đồng DN, hộ và cá nhân kinh doanh…) sẽ gặp những khó khăn nhất định… Vì vậy, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép áp dụng 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1, áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ (chiếm tới 60% số lượng DN, khoảng 70% trên tổng số lượng hóa đơn trên cả nước); Giai đoạn 2, áp dụng trên phạm vi cả nước (57 tỉnh, thành phố).
Tổng cục Thuế khẳng định "đây là bước đi thận trọng, cần thiết" nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thuế và các đơn vị cung cấp dịch vụ vận hành thông suốt hệ thống và khắc phục những phát sinh hệ thống (nếu có) trong thực tế triển khai nhằm đem lại những tiện ích thuận tiện, phù hợp nhất đối với người nộp thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Song song với đó, Tổng cục Thuế thành lập 07 Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử với Trung tâm chính đặt tại cơ quan Tổng cục Thuế và 06 Trung tâm đặt trực tiếp tại 06 Cục Thuế với nhiệm vụ trực tiếp điều hành hệ thống HĐĐT và tiếp nhận kịp thời những vướng mắc từ NNT để hỗ trợ kịp thời. Các Trung tâm đều hoạt động với tần suất 24/7.
Đồng thời, ngay sau Lễ kích hoạt bấm nút chính thức triển khai Hệ thống HĐĐT (ngày 21/11/2021), để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, Tổng cục Thuế đã thường xuyên tổ chức họp giao ban, đánh giá kết quả thực hiện triển khai HĐĐT, trao đổi, thảo luận và xử lý các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai; Tổ chức các cuộc họp trực tuyến tại Trung tâm Điều hành triển khai HĐĐT của Tổng cục Thuế với 06 Cục Thuế (triển khai giai đoạn 1) và 20 tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT cùng 71 tổ chức cung cấp giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá triển khai HĐĐT.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai, mở rộng các kênh tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ của NNT như: Hotline, Email, Web, 479 kênh hỗ trợ NNT, Chatbot, Zalo… xây dựng hệ thống hỏi đáp tự động về HĐĐT dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ NNT trong quá trình triển khai, áp dụng.
Để chuẩn bị triển khai cho giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai mở rộng kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ HĐĐT phục vụ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, trọng tâm là rà soát các ý kiến, nội dung vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 để nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương và thực hiện kiểm tra, kết nối giữa hệ thống giải pháp hóa đơn của DN và hệ thống quản lý HĐĐT của cơ quan Thuế.
Song song với đó, cơ quan thuế các cấp cũng mở rộng việc tập huấn, tuyên truyền triển khai, sử dụng HĐĐT đến tất cả người nộp thuế trên toàn quốc; xây dựng, triển khai mở rộng hạ tầng kỹ thuật (máy chủ, đường truyền...) để triển khai hệ thống quản lý HĐĐT cho các Cục Thuế còn lại đảm bảo hoàn thành mục tiêu cả nước áp dụng HĐĐT trước thời điểm ngày 01/7/2022.
Lương Bằng