Ngay từ sáng sớm, khách hàng đã đổ xô tới nhiều đại lý của các nhà mạng để mua thẻ cào. Tại một đại lý nằm trên phố Trương Định (Hoàng Mai – Hà Nội), lúc 8h sáng ngày 28/2, khách hàng đã đứng kín cửa hàng, xe máy đỗ tràn xuống đường.
Theo quan sát của phóng viên, khách có mặt tại cửa hàng mua thẻ cào của cả 3 nhà mạng, trong đó thẻ Viettel “nóng” nhất. Thẻ mệnh giá cao từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng được ưa chuộng nhất. Thẻ 50.000 đồng ít được hỏi.
Chia sẻ với phóng viên, anh Lê Thành (Trương Định – Hà Nội) cho biết: “Hôm nay là ngày cuối khuyến mại 50% rồi. Tôi cố gắng mua nhiều tiền nhất có thể. Đằng nào cũng phải mua, mua trước cho có lợi. Sau này, khuyến mại có 20% thì thấp quá”.
Anh Thành cho biết vì có ý định mua thẻ nên sáng nay anh đi làm sớm hơn mọi ngày. Thế nhưng, anh không ngờ cũng nhiều người có ý định như anh nên anh xếp hàng mãi mà chưa tới lượt. Anh phải xin sếp đi làm muộn để xếp hàng.
Tuy nhiên, tình trạng xếp hàng mua thẻ chỉ diễn ra ở những đại lý cấp 1. Tại đại lý cấp 1, thẻ được giảm từ 2% đến 5%, tùy từng mệnh giá thẻ. Còn tại các cửa hàng sim thẻ tư nhân, giá thẻ chỉ được chiết khấu trên dưới 1.000 đồng, tùy tức mệnh giá thẻ. Vì vậy, những cửa hàng như thế rất vắng vẻ.
Thực tế, tình hình “gom thẻ” còn nóng hơn rất nhiều so với những gì diễn ra tại các cửa hàng. Trên mạng, “dân công nghệ cao” đã chuẩn bị sẵn tinh thần mua thẻ online. Hiện tại, các dịch vụ mua thẻ online đang nở ra rất rầm rộ.
Rất nhiều ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Sacombank,… đều có dịch vụ mua thẻ online. Nhiều công ty thanh toán như Napas, Bảo Kim,…. cũng tham gia thị trường thẻ online. Các đơn vị này được chú ý vì cung cấp dịch vụ thanh toán online với mức chiết khấu cao.
Nhà mạng chấm dứt khuyến mại 50% cho thuê bao trả trước vì những quy định của Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TT&TT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất.
Theo Thông tư này, từ 1/3, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.
Thông tư 47 được ban hành trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội cũng như để đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Đây không phải là lần đầu mức khuyến mại tối đa cho thuê bao trả trước bị siết theo quy định. Trước đây, mức khuyến mại cho thuê bao trả trước được thả nổi và từng lên tới 200%. Sau đó, mức “trần khuyến mại” được siết về 50%.
Quy định này của Thông tư 47 đã gây ra nhiều tranh cãi với người sử dụng dịch vụ viễn thông. Một độc giả thắc mắc khuyến mại mang lại lợi ích cho khách hàng tại sao lại cấm. Theo người độc giả này, các đơn vị cung cấp cảm thấy vẫn có lãi thì họ khuyến mại cũng là bình thường thôi mà.
Một độc giả khác bày tỏ quan điểm: “Lúc trước khuyến mại 200%, giờ giảm 50% được rồi. Giờ lại giảm 20% thì liệu sim rác có hết được không, sim rác là do cách quản lý thôi”.
Tuy nhiên, vẫn có khách hàng không quan tâm tới vấn đề giảm khuyến mại của sim trả trước. Có độc giả cho biết: “Thật ra nếu không có khuyến mãi nữa thì tôi vẫn không chuyển sim trả trước sang trả sau vì dễ kiểm soát chi phí. Sim trả sau có rủi ro phát sinh chi phí bất ngờ' trong hoá đơn cuối tháng. Vài người quen đã bị và họ chuyển ngược từ trả sau sang trả trước. Khả năng cao là các nhà mạng cố tình để bật các dịch vụ gia tăng mà người dùng không hay, hoặc không biết cách để tắt”.
Bảo Linh