Thông tin từ trang BusinessKorea mới đây cho biết Tập đoàn tài chính Hana Financial Group của Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo đó, BusinessKorea dẫn tin một quan chức ngành tài chính tại Việt Nam ngày 8/8 cho biết KEB Hana Bank đang tiến hành mua lại cổ phần của BIDV và hai bên đã tiến gần đến việc đạt được một thỏa thuận.
Cụ thể, BIDV huy động thêm nguồn vốn mới thông qua tăng vốn điều lệ để cải thiện cấu trúc tài chính của ngân hàng này. KEB Hana Bank sẽ mua phần cổ phiếu mới. Nguồn tin cho biết chỉ còn một bước cuối cùng là nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam trong khi công việc liên quan đến thương vụ đang được hoàn tất.
Thực tế, những đồn đoán về việc BIDV phát hành cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc này đã được nhắc đến từ lâu. Kế hoạch tăng vốn cũng được BIDV trình ĐHĐCĐ suốt hai năm gần đây nhưng chưa thể thực hiện được. Tăng vốn có thể sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại ĐHĐCĐ của nhà băng này dự kiến được tổ chức vào ngày 21/4 tới đây.
Mới đây, vào ngày 5/1, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Keb Hana Kim Jung Tai cũng đã đến Việt Nam và có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Lãnh đạo định chế tài chính đến từ Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư vốn trực tiếp hoặc qua các quỹ vào cơ sở hạ tầng. Cùng đó, Keb Hana cho biết sẽ mở rộng hợp tác với các chế định tài chính của Việt Nam qua các công ty tài chính-công nghệ fintech.
Cũng tại cuộc gặp này, Keb Hana cho biết hiện đang hợp tác tích cực với đối tác BIDV trong lĩnh vực tài chính để gia tăng giá trị của mỗi bên và giúp BIDV phát triển các dịch vụ tài chính, tín dụng. Phó thủ tướng cũng đánh giá cao việc Keb Hana hợp tác với BIDV trong thời gian qua và cho rằng hai bên có nhiều tiềm năng trong khai thác lĩnh vực fintech và thanh toán di động ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong cuộc gặp này, thông tin về thương vụ mua vốn giữa Keb Hana và BIDV không được nhắc tới.
>> Keb Hana dự kiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam, được gợi ý tham gia tái cơ cấu ngân hàng