Theo cập nhật từ CTCK Rồng Việt (VDSC), ước tính trong quý 3/2021, doanh thu Traphaco (mã chứng khoán: TRA) đạt 560 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và LNST ước tính đạt 70 tỷ đồng, tăng 37% so với quý 3/2020.
Theo chia sẻ từ Traphaco, công ty đã không tăng giá bán sản phẩm trong 9 tháng đầu năm nay, như vậy doanh thu tăng phần lớn do sản lượng bán hàng đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả tích cực trên là nhờ Traphaco đã cải tiến quy trình hoạt động cũng như chuẩn bị kế hoạch đối phó kịp thời ngay khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát hồi tháng 5. Cùng với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, công ty đã tăng cường sản xuất và sớm vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, do đó không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện tại, tỷ trọng doanh thu ở 2 kênh OTC và ETC trong 9T lần lượt là 86% và 6%.
Kết quả, doanh thu và LNST sau 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt lần lượt 1.585 tỷ đồng và 195 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2021, Công ty đặt mục tiêu với doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 10% và 11% so với năm trước. Với kết quả trên, sau 9 tháng đầu năm, Traphaco đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch LNST.
Trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt do dịch bệnh COVID-19, kết quả kinh doanh của Traphaco vẫn tăng trưởng rất tích cực. Phía công ty dự kiến, mức doanh thu và lãi sau thuế thực hiện trong năm 2021 có thể vượt kế hoạch năm, lần lượt đạt 2.200 tỷ đồng và 270 tỷ đồng, ứng với tăng trưởng 15% và 25% so với thực hiện trong năm 2020.
Về cơ cấu từng mảng, chiến lược tăng trưởng cho thấy việc phát triển đồng thời cả mảng thuốc đông dược và thuốc tân dược.
Mảng tân dược trong 9 tháng đầu năm đang đóng góp gần 30% trong cơ cấu doanh thu và 24% trong cơ cấu LNST. Nhà máy tân dược hiện đang được vận hành trên 50% công suất và dự kiến sẽ đạt mức sản lượng tương đương 70-75% công suất thiết kế vào năm 2025.
Bên cạnh đó, mảng thuốc đông dược đang là nhóm sản phẩm truyền thống của TRA, đóng góp tới 64% tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2021. Các nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đang được vận hành hơn 90% công suất. Ngoài các sản phẩm chính như Boganic, Tottri và Ampelop, Traphaco cũng đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm mới trong năm nay.
Công ty cũng được hưởng lợi từ chính sách thắt chặt của Bộ Y tế đối với quy định đầu thầu mảng đông dược, kỳ vọng tổng doanh thu kênh ETC trong năm 2021 là 150 tỷ đồng, tăng 25%. Traphaco cũng có ưu thế phân phối trên kênh OTC với 28 chi nhánh và hơn 27.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP không cho phép các công ty dược nước ngoài hoặc công ty dược có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% được phân phối thuốc trực tiếp tại Việt Nam, từ đó tạo thuận lợi cho Traphaco.
VDSC cho rằng, chính sự dịch chuyển đáng kể từ kênh Bệnh viện sang kênh Nhà thuốc đang giúp kết quả kinh doanh của Traphaco duy trì tốt trong thời gian qua. Với mức lợi nhuận 2021 ước đạt 270 tỷ đồng, mức P/E forward của TRA ở mức 16,6 lần, tương đương mặt bằng ngành dược.
Về diễn biến trên thị trường, cổ phiếu TRA đã vừa lập đỉnh lịch sử 4 năm trong phiên 31/8 với mức giá 101.100 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá đã quay đầu vào nhịp điều chỉnh, chốt phiên 22/9 đạt 89.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên so với đầu năm 2021 vẫn tăng 30% về giá trị.