Trong một loạt bài viết trên Twitter đăng lên trong đêm qua (23/8), ông Trump khiến các nhà đầu tư chứng khoán hoảng hốt khi nâng mức độ chỉ trích Trung Quốc lên một tầm cao mới. "Chúng ta không cần Trung Quốc, và rõ ràng là sẽ giàu có hơn rất nhiều nếu như không có họ", ông viết.
Dòng tweet tiếp theo còn đáng sợ hơn: "Các công ty vĩ đại của nước Mỹ được yêu cầu phải ngay lập tức tìm nơi thay thế Trung Quốc, trong đó có lựa chọn mang công ty của các bạn trở về QUÊ NHÀ và sản xuất sản phẩm ở ngay tại MỸ". Không rõ những dòng trữ in đậm có ý nghĩa là trong đầu ông đang nghĩ đến một dự luật cho phép ông ra lệnh cho các công ty Mỹ phải rút khỏi Trung Quốc hay không.
Chứng khoán Mỹ lập tức lao dốc với Dow Jones "bay" 650 điểm và các chuyên gia phân tích đang "đau đầu" phân tích ý nghĩa của những dòng tweet này. Michael Antonelli, giám đốc của Robert W. Baird & Co., nói với Bloomberg: thị trường chứng khoán giống như một bao cát phải nhận 100 cú đấm.
Có vẻ như ông Trump đang muốn Trung Quốc nhân nhượng và quay trở lại bàn đàm phán. Nhưng trái với mong muốn này, Trung Quốc vừa thông báo kế hoạch đánh thuế 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, tập trung vào đậu tương, ô tô và dầu mỏ. Đáp lại, ông Trump tuyên bố từ ngày 1/10 mức thuế 25% hiện đang áp dụng với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ bị tăng lên 30%, và 300 tỷ USD còn lại sẽ bị áp thuế 15% thay từ 10% kể từ 1/9.
Với cuộc chiến thương mại căng thẳng như hiện nay, nhiều khả năng Trung Quốc hoàn toàn có thể khiến cơ hội tái đắc cử của ông Trump giảm đi đáng kể (cũng giống như Nga đã phần nào giúp ông chiến thắng năm 2016 bằng cách can thiệp vào bầu cử).
Đúng là Trung Quốc chịu thiệt hại từ chiến tranh thương mại nhiều hơn Mỹ như những gì ông Trump dự đoán. Nhưng điểm khác biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình không phải lo lắng về 1 cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngay cuối năm sau. Có lẽ chiến thuật mới của Trung Quốc là kéo dài cuộc chiến và hi vọng ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng sẽ có thái độ hợp tác hơn.
Câu chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ chỉ thuần túy về mặt chính trị, liên quan đến các chiến lược địa chính trị. Nhưng câu chuyện về Trung Quốc liên quan rất nhiều đến kinh tế. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nhiều dự đoán cho thấy GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Kinh tế Mỹ Trung đã trở nên gắn kết chặt chẽ đến nỗi xuất hiện cả cụm từ Chimerica để miêu tả nó. Nhưng mối liên kết này đang tan rã với tốc độ kinh hoàng.
Cũng khá dễ hiểu tại sao ông Trump lại tuyên chiến với Jerome Powell, người mà chính ông đã chọn lựa để ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Fed. Ông muốn Fed cắt giảm lãi suất nhanh hơn để kích thích kinh tế, điều ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tái đắc cử của ông. Sau bài phát biểu của Powell tại Jackson Hole mà Trump cho là quá "bồ câu", ông thẳng thừng chỉ trích: "Tôi không hiểu kẻ thù lớn nhất của chúng ta là ai, Jay Powell hay Chủ tịch Tập".
Tuy nhiên, thật khó hiểu tại sao ông Trump lại phải gay gắt với ông Tập đến thế. Đúng là Trung Quốc có nhiều hành vi không công bằng, ví dụ như ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ hay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng thay vì tập trung vào những vấn đề này, dường như ông Trump lại đang phản đối điều đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay và cũng là thứ giúp cả hai nước cùng phát triển: trao đổi hàng hóa.
Mới đây ông đã nói rằng mình chính là "người được chọn" để đánh bại Trung Quốc sau khi những người tiền nhiệm đã thất bại. Đó là cuộc chiến mà ông cảm thấy mình có sứ mệnh phải phát động, dù cho nó ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tái đắc cử của bản thân. Nhưng có lẽ kết cục của sứ mệnh này sẽ chẳng mấy tốt đẹp.