Giá heo hơi tăng cao, người chăn nuôi thực sự lãi bao nhiêu tiền?
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ NN&PTNT đã quyết liệt trong việc khống chế dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn, nhưng giá lợn hơi vẫn còn cao. Thủ tướng lưu ý, giá lợn hơi cao sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.
Nhận định giá heo hơi ở mức 75.000 đồng/kg vẫn còn cao trong khi giá thành chỉ có 35.000 đồng/kg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương giảm giá lợn hơi xuống nữa.
Giá heo hơi hôm nay 5/3 cả nước vẫn duy trì mức cao, trong đó giá ngoài thị trường tự do dao động từ 75.000 - 88.000 đồng/kg, còn giá tại các doanh nghiệp lớn ở mức 74.000 - 75.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: Thương lái buôn bán heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). N.Vỹ
Tuy nhiên, trao đổi với PV, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp cho biết mức giá thành 35.000 - 37.000 đồng/kg là từ trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam. Giá thành này có thể là lấy tham chiếu từ hộ chăn nuôi chưa hạch toán chi phí nhân công, lãi vay ngân hàng và khấu hao tài sản.
Thực tế hiện nay không trại nào có thể đạt mức giá đó, mà đã tăng lên 45.000 - 52.000 đồng/kg. Kể cả các trại đầu tư công nghệ hiện đại, quy mô lớn "bét" nhất giá thành cũng khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Ngày 5/3, trao đổi với PV DANVIET.VN, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trạt lớn nhất nhì TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết, hiện ông có 2 trang trại với tổng diện tích hơn 7ha, quy mô chăn nuôi 1.000 lợn nái và khoảng 6.000 lợn thịt. Do chủ động được nguồn lợn giống phục vụ nuôi thương phẩm nên tính toán chi li thì giá thành chăn nuôi tại trại của ông dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đối với những trại phải mua con giống, giá thành chăn nuôi 1kg lợn hơi sẽ lập tức bị đẩy lên khoảng 50.000 đồng/kg, do giá lợn giống hiện nay đang rất cao, từ 2 - 2,5 triệu đồng/con (loại mới cai sữa 6-7kg). Chi phí thức ăn để nuôi từ con lợn cai sữa đến khi đạt trọng lượng 100kg, hết khoảng 2,5 triệu đồng.
"Hai khoản này (con giống, thức ăn) cộng lại đã hết xấp xỉ 5 triệu đồng, chiếm nhiều nhất trong chi phí chăn nuôi lợn. Nếu cộng cả chi phí điện, nước, thuốc thú y, vaccine, công chăm sóc, hao hụt... thì giá thành ở các hộ chăn nuôi hiện nay có thể lên tới 5,5 triệu đồng/100kg lợn hơi, tức khoảng 55.000 đồng/kg", ông Bắc nhẩm tính.
Như vậy với giá heo hơi tại miền Bắc hiện nay, mỗi con heo nặng 100kg xuất bán ra thị trường ông Bắc có thể thu lãi ít nhất 4 - 4,5 triệu đồng; còn các trang trại phải mua con giống bên ngoài thu lãi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Đây là mức lãi cao ngất ngưởng, hiếm có đối với người chăn nuôi lợn.
Năm 2019, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Minh Ngọc
Anh Trần Thế Trung, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội), chủ trang trại đang nuôi 60 lợn nái cho biết: Mức giá thành 1kg heo hơi 40.000 đồng/kg đã rất khó đạt được, còn mức 35.000 - 38.000 đồng/kg là "lý tưởng" chỉ có trong sách vở mà thôi. Nhìn giá heo hơi tăng vù vù như mấy ngày nay, có nơi lên tới 85.000 - 90.000 đồng/kg ai cũng tưởng nông dân lãi đậm, nhưng thực ra nông dân còn rất ít heo, chủ yếu hàng của các công ty lớn.
"Trừ chi phí, người chăn nuôi có thể lãi từ 3 - 4 triệu đồng/100kg lợn hơi, nhưng đáng tiếc là không có nhiều nông dân được hưởng lợi. Như ở địa phương tôi, khi dịch tả lợn châu Phi càn quét qua, duy nhất trại của tôi sống sót. 10 người nuôi lợn thì 9 người bị thua lỗ bởi dịch bệnh, không nợ nần, phá sản thì cũng chán quá phải bỏ nghề. Giờ nhiều người nhắc tới nuôi lợn là sợ, tôi chẳng qua đâm lao phải theo lao mà thôi", anh Trung chia sẻ với PV.
Giá lợn hơi giảm bao nhiêu là phù hợp?
Trò chuyện với PV DANVIET.VN, anh Nguyễn Cao Cường, chủ trang trại đang nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P với quy mô hơn 2.500 con lợn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Tính cả năm 2019, gia đình anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng từ chăn nuôi lợn gia công, nhưng chủ yếu "ăn" lãi cao đợt giá heo hơi tăng phi mã cuối năm 2019.
Gần 10 năm lăn lộn trong nghề nuôi lợn, anh Cường hiểu quá rõ những vất vả, đắng cay của nghề và nhận thấy, chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp bớt rủi ro hơn là tự đầu tư mọi thứ, rồi tự tìm đầu ra.
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, hiện nhiều doanh nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh tái đàn, dự kiến tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường năm 2020 khoảng 4 triệu tấn.
"Nuôi lợn gia công doanh nghiệp lo con giống, thức ăn, chúng tôi chủ yếu bỏ công chăm sóc, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đợt bão giá năm 2017, giá heo hơi giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, nhiều trang trại điêu đứng thì chúng tôi vẫn được công ty trả công. Bão giá, hay bão dịch bệnh thì ai cũng bị ảnh hưởng, nhưng các công ty lớn nhanh hồi phục hơn vì họ có vốn lớn, công nghệ hiện đại, quy trình an toàn hơn so với chăn nuôi nông hộ", anh Cường cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, muốn có đánh giá chính xác để điều hành thị trường thịt lợn hiệu quả, cơ quan nhà nước cần nhìn nhận mức giá bình quân trong cả năm chứ không nên chỉ nhìn vào mức giá hiện tại nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi thời gian qua. Giá thịt heo chỉ giảm khi cung cầu cân bằng.
Theo ghi nhận của PV báo Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 6/3 tại miền Bắc dao động phổ biến từ 85.000 - 88.000 đồng/kg; tại miền Nam và miền Trung, giá heo hơi dao động từ 75.000 - 82.000 đồng/kg. Tại các doanh nghiệp lớn như Công ty CP chăn nuôi C.P, Tập đoàn Dabaco, giá heo hơi đang duy trì ở mức 74.000 - 75.000 đồng/kg. |
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá heo hơi tăng mạnh trong mấy ngày qua là điều tất yếu, bởi các trại trong khu vực thực sự không còn nhiều heo để bán nữa.
Một thành viên Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam bộ nói: “Khó bình ổn giá lúc này bởi heo hơi không còn dồi dào, dịch bệnh vẫn khó lường. Vấn đề ở chỗ, không ai biết được thực sự lượng heo trong dân còn bao nhiêu con".
"Ở Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi đã làm họ bị thiệt hại 50% tổng đàn; tại Việt Nam, riêng ở "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai cũng thiệt hại gần 1 nửa. Các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam..., có thôn gần như không còn con heo nào. Do đó tôi cho rằng con số thiệt hại gần 6 triệu con, chiếm khoảng 10% là chưa chính xác. Nếu đàn heo giảm ít như vậy, tại sao giá heo hơi vẫn tăng?", vị này nói.
Đồng tình với việc giá heo hơi tăng quá cao sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ quay lưng với thịt heo, gây bất ổn ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Công Bắc (Sơn La) cho rằng, các chủ trang trại, doanh nghiệp nên đồng hành với Chính phủ, Bộ NN&PTNT áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, giảm giá thành sản xuất.
"Trước mắt giá heo hơi chưa thể giảm ngay được về con số lí tưởng, nhưng tôi cho rằng với mức 75.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi rất khá. Dần dần khi nguồn cung tăng lên, dự tính vào cuối năm 2020 giá heo hơi sẽ về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg", ông Bắc nói.
Hỏi về chi phí cụ thể làm ra 1kg heo hơi, anh Nguyễn Cao Cường, chủ trang trại ở Ba Vì (Hà Nội) cho biết, trường hợp tự nuôi heo nái để có heo giống nuôi thịt thì hiện giá thành heo giống khoảng 800.000 đến 1,3 triệu đồng/con. Nếu phải đi mua, giá heo giống hiện từ 2 – 2,5 triệu đồng/con. Thức ăn nuôi 1 con heo từ cai sữa tới khi đạt 110 – 120kg hết khoảng 2,5 – 2,7 triệu đồng; chi phí vaccine, thuốc thú y, vôi và thuốc sát trùng khoảng 2.000 đồng/kg; cộng thêm chi phí nhân công, điện nước, khấu hao, lãi vay, hao hụt (khoảng 5%) thì giá thành chăn nuôi đối với doanh nghiệp khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg; còn hộ phải đi mua con giống khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg. |