Côn Đảo từ lâu đã hấp dẫn bởi nét hoang sơ vẹn nguyên và du lịch tâm linh. Nhiều du khách lần đầu tới đây đã tự hỏi: tại sao phải đi Phuket (Thái Lan) mà không phải là Côn Đảo?
90% khách đến Côn Đảo từ phía Bắc
Công ty TST Tourist (TP.HCM) vừa có đoàn khách 300 người, bay trên 6 chuyến bay thương mại, đi Côn Đảo sáng 11/9. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing, cho hay, công ty phải huy động 12 xe ô tô, với 25 khách mỗi xe và hơn 30 người tham gia phục vụ đoàn. Khách được chia thành 12 nhóm, đảm bảo giãn cách theo quy định.
“Chúng tôi đã có nhiều tour nhỏ khởi hành từ dịp lễ 2/9, tuy nhiên đây là đoàn khách quy mô lớn đầu tiên sau đợt dịch lần 2. Những du khách này đã đăng ký đi từ dịp hè, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên bị hoãn lại”, ông Mẫn nói.
Côn Đảo là điểm đến rất được du khách yêu thích |
Đoàn sẽ có 3 ngày trải nghiệm ở Côn Đảo. Ông Mẫn nói rằng ngoài Phú Quốc, Côn Đảo là điểm đến rất được du khách yêu. Tuy đã qua hè nhưng hòn đảo này lại rất phù hợp, đảm bảo về cả điểm đến an toàn và dịch vụ.
Côn Đảo luôn là điểm nóng hút khách, đặc biệt 90% khách tới đây là người miền Bắc. Đó là bởi hòn đảo này vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cảnh quan hoang sơ, với các di tích văn hóa lịch sử ý nghĩa, rất thích hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tâm linh, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.
Bà Hannah Marie Loughlin - Giám đốc Sales & Marketing của Six Senses Resort - kể rằng, bà nhận được nhiều phản hồi của du khách lần đầu tiên đến đây là: Tại sao phải đến Phuket trong khi Việt Nam có Côn Đảo? Hòn đảo này là lựa chọn của những vị khách muốn tìm kiếm sự nghỉ dưỡng kín đáo riêng tư.
Bởi thế, năm 2019, Côn Đảo đón 420.000 khách du lịch. 8 tháng năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vẫn có 235.000 lượt khách đến Côn Đảo. Trong cơ cấu GDP của Côn Đảo, 80% là từ du lịch.
Tuy nhiên, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận xét việc ra đảo còn gặp nhiều khó khăn. Nếu đi đường bộ mất từ 4-10 tiếng. Đi máy bay trực thăng thì chở được ít người, giá đắt, lại không thể bay thường lệ do phụ thuộc vào thời tiết.
Vì vậy, trước đó duy nhất VASCO và Vietnam Airlines khai thác đường bay ra Côn Đảo từ hai sân bay Cần Thơ, Tân Sơn Nhất bằng ATR72. Mỗi chuyến cũng chỉ có 68 ghế, tối đa 66 khách với 2 thợ máy hoặc kỹ sư đi cùng.
Chưa kể, sân bay Côn Đảo lại không có đèn để khai thác ban đêm nên chỉ phục vụ được khi mặt trời mọc và đóng cửa khi mặt trời lặn.
Hòn đào này hoang sơ, thanh bình, biệt lập, có nhiều điểm tham quan gắn với lịch sử vừa là nơi có những bãi biển đẹp để nghỉ ngơi |
Bình thường, sân bay khai thác 5-8 chuyến/ngày, cao điểm nhất vào cuối tuần hay dịp lễ là 24-26 chuyến/ngày. Rất nhiều khách than phiền vì không mua được vé, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh.
Chưa kể, các công ty lữ hành cũng rất khó xây dựng tour. Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc công ty du lịch Hanoitours, cho rằng việc mua vé máy bay đi Côn Đảo từ phía Bắc rất khó khăn vì khách đông, giá đắt đỏ, lại phải di chuyển nhiều chặng, mất thời gian chờ đợi khi nối chuyến.
“Lượng vé khó đặt nhất là vào cuối tuần, giá đắt nên chi phí tour cao”, ông Phúc nói.
Nên đón khách “có chọn lựa”
Tới đây, từ 29/9, khi hãng hàng không Bamboo Airways đưa vào khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh tới Côn Đảo mở ra cơ hội cho du khách và các công ty du lịch.
Tại Tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới” diễn ra chiều 12/9, blogger du lịch Phạm Việt Anh đánh giá, chắc chắn tới đây Côn Đảo sẽ đông khách hơn.
Vì thế, vị chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn việc ngày càng có nhiều đường bay vô tình sẽ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng của địa phương. Blogger này cho rằng, Côn Đảo nên tập trung phát triển dòng khách chi trả cao, khách cao cấp, tránh phát triển về số lượng.
Với đề xuất này, Phạm Việt Anh đưa ra góp ý, hoạt động du lịch tại Côn Đảo sẽ đi theo xu thế do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến. Anh gợi ý Côn Đảo nên chọn du lịch trải nghiệm, cá nhân hoá với những hoạt động bền vững.
Nghĩa trang Hàng Dương, một trong những địa điểm phát triển du lịch tâm linh tại Côn Đảo |
Phản hồi ý kiến trên, ông Trịnh Hàng thừa nhận đúng là nếu khách du lịch đông quá sẽ gây áp lực với Côn Đảo. Ông cho hay UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang kêu gọi các nhà đầu tư và một số công trình đã được khởi công để phục vụ du khách.
“Tỉnh cũng xây dựng đề án Du lịch chất lượng cao đến 2030, đặc biệt là Côn Đảo, với quyết tâm giữ gìn hệ sinh thái đang có”, ông Hàng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch), cho hay 4 năm qua lượng khách đến hòn đảo này tăng 400%. Năm 2017, hãng tin CNN bình chọn Côn Đảo là một trong 12 hòn đảo yên bình nhất châu Á, trong khi nhà đầu tư đổ đến đây lại muốn tìm kiếm lợi nhuận, điều này sẽ gây áp lực lên Côn Đảo.
Theo ông Đức, hòn đảo này không phải là điểm đến lớn nên tính đến sức chứa, đường bay,... cần quy hoạch cụ thể để Côn Đảo phát triển bền vững. “Côn Đảo là điểm đến hấp dẫn nhưng không đón khách bằng mọi giá, mà đón ở số lượng nhất định”, ông Đức đề xuất.
Ông Đinh Ngọc Đức cho biết thêm, Tổng cục Du lịch đang đề xuất tiếp tục phát động chương trình kích cầu lần hai. Kích cầu đợt tới khó khăn chồng chất vì tâm lý khách hàng khá dè dặt, nhu cầu thấp do mùa thấp điểm. Do đó, Tổng cục xác định sẽ đẩy mạnh giải pháp liên minh kết nối, tập trung vào những điểm đến hấp dẫn; kết nối các điểm có nguồn thị trường khách lớn như Hà Nội, TP.HCM,... ; kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ để có gói sản phẩm ưu đãi, chất lượng, đảm bảo an toàn cho khách.
Trong đó, “việc mở đường bay thẳng tới Côn Đảo là tín hiệu tốt cho thấy kích cầu thành công”, ông Đức kỳ vọng. Đó cũng là tin tưởng của Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết khi ông cho rằng, bản chất việc mở đường bay mới tới Côn Đảo chính là để kích cầu du lịch lần hai.
Ngọc Hà