Tiền được chuyển ra khỏi địa phương càng nhanh càng có lợi cho tội phạm chuyển tiền, vì khả năng bị cảnh sát đóng băng tài khoản sẽ thấp hơn.
Tuần qua, sự kiện một loạt ngân hàng lớn nhất thế giới dính dáng tới cáo buộc rửa tiền lên tới 2 nghìn tỷ USD trong suốt 20 năm qua, đã khiến giới tài chính toàn cầu một lần nữa nhìn lại những lỗ hổng trong các thể chế lớn của ngành ngân hàng. Quá trình rửa tiền diễn ra theo rất nhiều cách, nhưng một câu chuyện về ngành ngân hàng Australia mới đây đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Năm 2011, một người phụ nữ kéo theo hàng vali đựng tiền mặt tới một chi nhánh ngân hàng Westpac tại Sydney. Người này đã kịp thực hiện 10 lần giao dịch như vậy với số tiền lên tới hàng triệu USD trước khi bị cảnh sát phát hiện có dấu hiệu rửa tiền.
Ngày 24/9, Westpac, 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Australia, tuyên bố chấp thuận yêu cầu trả khoản tiền phạt lên tới 1,3 tỷ đôla Australia (920 triệu USD) vi phạm luật chống rửa tiền và không ngăn chặn các khoản giao dịch chuyển tiền liên quan đến bóc lột trẻ em (Ảnh: Reuters) |
Số tiền này được khách hàng bí ẩn trên, thông qua ngân hàng Westpac, chuyển vào tài khoản của một công ty khác chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài. Theo cục cảnh sát liên bang Australia, trong năm 2011, có khoảng 80 triệu USD đã được chuyển ra khỏi Australia theo cách này. Ngân hàng Westpac không hề có động thái gì để ngăn chặn.
Một người khác từng thực hiện những giao dịch mờ ám này nhờ vào trung gian ngân hàng tiết lộ: "Không những tôi không bị ai hỏi 1 câu nào mà nhân viên tại Ngân hàng Quốc gia Australia còn đùa rằng: "Chà, anh có nhiều tiền thật đấy, chúc mừng nhé"".
Những công ty chuyển tiền ra nước ngoài vốn là một địa chỉ quen thuộc đối với các sinh viên quốc tế đến du học, hay người lao động nhập cư, nếu họ có nhu cầu chuyển tiền về quê với giá rẻ. Nhưng đồng thời các cơ sở chuyển tiền này cũng có một đặc điểm mà tội phạm chuyển tiền rất thích lợi dụng: đó là tốc độ.
Các dịch vụ chuyển tiền này có khả năng đưa tiền ra khỏi một quốc gia chỉ trong vài giờ đồng hồ, chứ không phải mất đến vài ngày như các ngân hàng.
Tiền được chuyển ra khỏi địa phương càng nhanh càng có lợi cho tội phạm chuyển tiền, vì khả năng bị cảnh sát đóng băng tài khoản sẽ thấp hơn.
Theo trang tin ABC, cùng với những bê bối của các ngân hàng lớn bị phanh phui gần đây, giới chức cũng tìm ra việc một ngân hàng tại Mỹ đã thực hiện chuyển gần 15 triệu USD trong những giao dịch mờ ám cho một công ty chuyên dịch vụ chuyển tiền xuyên quốc gia. Năm 2015, cũng tại ngân hàng này, một chuyên viên đã phát hiện ra khoản giao dịch gần 20 triệu USD cho một tài khoản ở Trung Quốc, cũng thuộc về công ty chuyên chuyển tiền.
Tiền được chuyển ra khỏi địa phương càng nhanh càng có lợi cho tội phạm chuyển tiền, vì khả năng bị cảnh sát đóng băng tài khoản sẽ thấp hơn (Ảnh minh họa) |
Điều đáng nói là theo số liệu trang ABC đưa ra, có tới 99% các hoạt động rửa tiền này được thực hiện trót lọt. Một phần nguyên nhân là do các ngân hàng và tổ chức tài chính vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch với các khách hàng kể cả khi có những dấu hiệu đáng nghi.
Sau những bê bối vừa rồi, các ngân hàng đều đưa ra thông báo rằng họ đã, đang và sẽ nâng cấp hơn nữa quy trình rà soát các giao dịch đáng ngờ, để ngăn chặn hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, vụ bê bối rửa tiền lên tới 2 nghìn tỷ USD vừa bị phanh phui cho thấy, thủ đoạn của những nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, trong khi rủi ro mà các ngân hàng đối mặt cũng ngày càng cao hơn.
(Theo VTV)