Thách thức an toàn thông tin trong chuyển đổi số
Báo cáo hồi tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) với chủ đề "Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai" chỉ ra rằng, mặc dù Chính phủ Việt Nam đạt kết quả kết quả tương đối tốt về an ninh mạng, nhưng lại chưa bằng các quốc gia khác trong các chỉ tiêu về bảo mật dữ liệu cá nhân và kiểm duyệt.
Cụ thể, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại cho người dân nhiều cách tiếp cận và chia sẻ thông tin trên internet, nhưng cũng tạo điều kiện cho các cuộc tấn công tinh vi hơn vào an ninh và dữ liệu cá nhân. Do đó, các chuyên gia của WB nhận định, việc phải cân đối giữa cho phép tiếp cận thông tin và bảo vệ người dùng các công cụ số đang là thách thức của Việt Nam.
Theo Chỉ số An ninh mạng toàn cầu, Việt Nam có mức độ bảo vệ khá tốt, với thứ hạng 25 trên 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ tư trong số 11 quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn: World Bank
Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là vấn đề then chốt và xuyên suốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thống kê của Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, trong năm 2021, có khoảng 100 triệu lượt dữ liệu người dùng Internet, tổ chức doanh nghiệp Việt Nam lộ lọt.
Tại buổi hội thảo về Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhấn mạnh: “Muốn an toàn thì phải có thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin 'Make in Việt Nam', vì chuyển đổi số quốc gia là toàn dân, toàn diện, là tất cả các ngành các lĩnh vực và mọi người dân cùng nhau chuyển đổi".
Để có thể khắc phục được những thách thức kể trên, camera là một trong những thiết bị cần sự bảo vệ an toàn thông tin nhất trong các sản phẩm điện tử. Bởi lẽ, camera sẽ là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền số, thành phố thông minh… Theo dự báo, nhu cầu về camera tại thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ trong vài năm tới đây, đặc biệt khi Chính phủ và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh trong quá trình chuyển đổi số.
Được biết, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu camera mỗi năm. Tuy nhiên, sản phẩm đều chưa được đánh giá an toàn thông tin hay cài phần mềm bảo mật. Trong đó, số lượng camera xuất xứ Trung Quốc chiếm đến hơn 90% trên thị trường và đều có nguy cơ rò rỉ dữ liệu.
Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT cho biết, chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm camera ở Việt Nam trên trang web shodan sẽ cho thấy có tới 1.452 camera lộ lọt thông tin với các hình ảnh riêng tư bị phơi bày trên mạng.
Liên minh công nghệ Việt trong cuộc chơi AI Camera "Make in Vietnam"
Nắm bắt xu hướng thị trường và ý thức được tầm quan trọng của bảo mật thông tin, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu nghiên cứu và phát triển các thiết bị camera. Điển hình như Pavana, doanh nghiệp đầu tiên quyết tâm trở thành đơn bị thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng (ODM) trong lĩnh vực camera tại Việt Nam.
Nếu như các doanh nghiệp khác còn đang mất nhiều thời gian loay hoay nghiên cứu sản phẩm và xây dựng hạ tầng sản xuất thì Pavana có được rất nhiều ưu thế nhờ sự hỗ trợ từ nhà đầu tư Sky Light, một ODM chuyên về camera có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), với hơn 20 năm kinh nghiệm, khách hàng chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu.
Việc hợp tác này giúp Pavana có lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng, nhận hỗ trợ trực tiếp từ các hãng chip hàng đầu như Ambarella, OmniVision, Ingenic trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Tận dụng kinh nghiệm từ ODM quốc tế lâu đời Sky Light kết hợp với năng lực R&D của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, Pavana có thể chủ động, thiết kế sản xuất theo đơn đặt hàng của các hãng. Theo đó, toàn bộ các dòng sản phẩm camera do Pavana phát triển, nếu khách hàng có nhu cầu sẽ được chuyển giao sản xuất tại nhà máy Sky Light Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Thăng Long 3, Vĩnh Phúc, dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ Pavana.
"Mục tiêu của Pavana chính là camera thiết kế, sản xuất tại Việt Nam, bởi người Việt Nam, hướng đến cả thị trường trong nước và thế giới", ông Nguyễn Trung Kiên, Founder kiêm CEO của Pavana cho hay.
Để đạt được mục tiêu đó, vào ngày 25/11, Pavana đã chủ động ký kết hợp tác toàn diện với nhiều "ông lớn" công nghệ như: Qualcomm, VinBigData, Lumi, MK Group nhằm tạo ra tiền đề cho những kỳ vọng phát triển AI Camera Make in Việt Nam trong tương lai.
Buổi ký kết hợp tác giữa Pavana, Qualcomm, VinBigData vào ngày 25/11. Nguồn: Pavana
Cụ thể, Pavana, Qualcomm, VinBigData ký kết hợp tác ba bên phát triển nền tảng công nghệ cho các sản phẩm camera thông minh nhắm tới phân khúc cao cấp, chất lượng và có tính bảo mật cao. Cụ thể, Qualcomm sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp công cụ, thiết kế mẫu, thư viện phần mềm, mã nguồn và linh kiện chipset, giúp Pavana phát triển nền tảng phần cứng.
VinBigData phát triển các thuật toán AI liên quan đến nhận diện khuôn mặt, hình thể, vật thể, nhận diện hành vi, tạo ra các tiện ích vượt trội cho sản phẩm. Với MK Group, tập đoàn số một Việt Nam trong lĩnh vực bảo mật số và thẻ thông minh, hai bên sẽ hợp tác phát triển sản phẩm camera chuyên dụng, tích hợp công nghệ sinh trắc học và bảo mật do MK Group cung cấp, tạo ra sản phẩm hướng tới nhóm khách hàng doanh nghiệp và Chính phủ.
Đối với dòng sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình, Pavana bắt tay cùng Lumi đồng phát triển sản phẩm AI camera có tích hợp các gói giải pháp Smart Home về an ninh, tiện ích do Lumi cung cấp.
Theo các đại diện từ các doanh nghiệp có mặt trong buổi ký kết, liên minh công nghệ Việt giữa Pavana và các đối tác sẽ mở ra kỳ vọng về các sản phẩm AI Camera "Make in Việt Nam" thực sự, nhằm giải quyết bài toàn an toàn thông tin trong chuyển đổi số.